Nhưng ngay từ trước khi có tiền treo thưởng, hàng loạt biện pháp đã được vạch ra: Hạn chế xe cá nhân, tăng vận tải công cộng, xây dựng đường vành đai ba, mở các tuyến xe điện trên cao…
Tất cả đáng lẽ đều đã được triển khai từ lâu, nhưng tiền luôn là một trở lực, ngăn cản tất cả. Ở Việt Nam có một điều tôi cho là lạ: cái gì không làm được đều bị đổ lỗi là thiếu tiền, thiếu rất nhiều tiền. Dường như không có những dự án hàng nghìn, hàng chục nghìn tỷ thì người ta sẽ không xoay xở tìm những cách khả thi khác.
Tôi cho rằng, có một số giải pháp không cần nhiều tiền, thậm chí không cần đến tiền, cũng có thể góp phần hạn chế ùn tắc, miễn là thủ đô quyết tâm đến cùng.
Thứ nhất là phải bắt đầu lộ trình cấm xe máy ở Hà Nội và TP HCM ngay từ bây giờ. Nhiều người sẽ phản ứng, thậm chí phản ứng mạnh: cấm xe máy thì đi làm bằng phương tiện gì? Nhưng năm 1995 cứ 1.000 dân Hà Nội thì có 150 xe máy. Sau 12 năm (2007), con số này tăng lên 4 lần (600 xe trên 1.000 dân). Bây giờ đã là năm 2017, tỷ lệ này sẽ lớn hơn nhiều. Còn tốc độ tăng ôtô ở Hà Nội và TP HCM vượt cả Tokyo. Trong lúc đó, các tuyến đường nội đô không mở rộng, thậm chí còn nhỏ đi vì sự lấn chiếm vỉa hè, lòng đường ngày một trầm trọng hơn. Mà nếu có mở đường, thì mở đến đâu cho lại với lượng xe tăng lên theo cấp số nhân như vậy?
Đương nhiên cấm xe máy phải theo một lộ trình, có thể kéo dài trong gần chục năm. Giải pháp này nên bắt đầu từ việc cấm ở một số con phố, một số tuyến đường cho tới cấm ở nhiều tuyến phố, nhiều con đường lớn. Trong thời gian đó, chính quyền phải nhanh chóng xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông công cộng.
Việc cấm xe máy cũng sẽ tạo cho người dân thói quen đi bộ. Tôi đã nhiều năm đi bộ với khoảng cách hơn hai cây số từ nhà đến cơ quan gần như tất cả ngày trong tuần. Tôi cảm thấy thoải mái, lại rèn được tính dẻo dai. Tôi tin người khác cũng sẽ có cảm giác tương tự một khi họ dám từ bỏ thói quen nhảy lên xe máy phóng đi dù là chỉ để ra ngõ mua vài thứ lặt vặt.
Việc thực hiện giải pháp này từng bước, chậm nhưng kiên quyết, cũng sẽ giúp người dân có thời gian chuẩn bị tâm lý để không mua xe máy mới, để làm quen với các phương tiện khác… Chủ trương cấm xe xích lô, cấm pháo, bắt đội mũ bảo hiểm cũng từng bị phản ứng quyết liệt nhưng đều đã thành công. Tôi tin chúng ta cũng cấm được xe máy, miễn là chính quyền kiên định, có tầm nhìn, vì lợi ích lâu dài để không bị lung lay bởi đám đông đang bị những quyền lợi trước mắt đè nặng.
Thứ hai, theo tôi cần trả lại vỉa hè cho người đi bộ. Ở Hà Nội, TP HCM, vỉa hè bị lấn chiếm gần hết, người đi bộ đành phải xuống lòng đường. Việc tăng vận tải công cộng sẽ không thành công nếu không đi đôi với việc giành lại vỉa hè cho người dân. Việc này đương nhiên khó với một xã hội đã quen với hình thức buôn bán nhỏ lẻ. Nhưng tôi không tin đây là việc không làm được.
Thứ ba, lòng đường phải được trả lại cho xe cộ. Tôi nhiều lần chứng kiến cả dòng người đang lưu thông bỗng nhiên khựng lại, dồn ứ… chỉ vì một lái xe đỗ ôtô bên đường để mua giữa đường.
Hiện trạng này hoàn toàn có thể giải quyết được bằng giải pháp tiếp theo: xử phạt nghiêm minh. Ý tôi là xử phạt nghiêm minh, từng ngày từng giờ, ở bất cứ nơi đâu, địa bàn nào; chứ không phải chỉ có vẻ nghiêm minh trong từng chiến dịch, trong từng đợt ra quân rầm rộ.
Giải pháp cuối cùng - một giải pháp hoàn toàn nằm trong tầm tay của chính quyền: kiên quyết không cấp phép xây nhiều cao ốc ở trung tâm Hà Nội. Hà Nội bây giờ đã rộng gấp bốn lần Hà Nội xưa, rộng đủ để người dân, các công sở không phải chen chúc nhau trong nội đô, trên những ổ tò vò bé xíu và chót vót.
Tắc nghẽn giao thông ở Hà Nội như một căn bệnh trầm kha. Không phải căn bệnh nào cũng đòi hỏi rất nhiều tiền mới chữa được; có khi chỉ cần đến “thuốc vườn nhà” trong tầm tay với. Miễn là chúng ta - chính quyền và người dân - bắt đúng bệnh, dùng đúng thuốc và kiên nhẫn thực hiện theo đơn.
Dương Xuân Nam