Là một trong những tỉnh giáp Hà Nội, Thái Nguyên được các chuyên gia đánh giá có sở hữu nhiều thuận lợi trong phát triển kinh tế xã hội, nhất là cơ sở hạ tầng, giao thông.
Từ 2008-2018, GDP của tỉnh có sự tăng trưởng ổn định. Theo số liệu của Cục Thống kê Thái Nguyên, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2018 trên địa bàn đạt 10,44%. Thu nhập bình quân theo đầu người đạt 77,7 triệu đồng, cao hơn 19,2 triệu đồng so với mức trung bình cả nước.
Ba năm gần đây, kinh tế tỉnh Thái Nguyên ghi nhận mức tăng trưởng GDP bình quân đạt hơn 10% một năm. Năm 2018, tỉnh lần đầu tiên thu ngân sách 15.003 tỷ đồng, tăng gấp đôi năm 2015. Thái Nguyên hướng tới tự cân đối thu chi vào năm 2020.
Thái Nguyên đặt mục tiêu mức độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức 9% vào năm tới. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 11%, kim ngạch xuất khẩu tăng 10%, thu nhập bình quân đầu người đạt 83 triệu đồng.
Một trong những động lực đưa kinh tế tỉnh Thái Nguyên phát triển là thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Hiện có đến 128 dự án đặt trên địa bàn. Tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 7,5 tỷ USD, đã giải ngân gần 7 tỷ USD.
Riêng các khu công nghiệp của Thái Nguyên đã giải quyết việc làm cho gần 120.000 người, thu nhập bình quân đạt 6,5 triệu đồng một tháng.
Bên cạnh thu hút đầu tư nước ngoài, nhiều doanh nghiệp đánh giá Thái Nguyên có sự đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ. Từ năm 2009, tỉnh xây mới nhiều tuyến đường quan trọng, kết nối với các khu công nghiệp và những tỉnh thành lân cận. Có thể kể đến như đường nối quốc lộ 3 mới, tuyến Thái Nguyên - Bắc Kạn, Hà Nội - Thái Nguyên... Ngoài ra, tỉnh đang tiếp tục triển khai một số dự án trọng điểm như Cầu Dẽo, đường vành đai V rút ngắn thời gian di chuyển vào Hà Nội.
Năm 2018, Ngân hàng Thế giới đã chi khoản tín dụng trị giá 80 triệu USD nhằm nâng cao chất lượng đô thị Thái Nguyên. Ngoài ra, chính quyền cũng đối ứng nguồn vốn 20 triệu USD, nâng tổng chi phí dự án ước tính 100 triệu USD.
Thái Nguyên cũng là một trong các địa phương tạo điều kiện cho nhà đầu tư về thuế, thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng. Năm 2018, tỉnh thu hút được 63 dự án của 43 nhà đầu tư với tổng số vốn đăng ký là 113.500 tỷ đồng. Tỉnh đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ giải phóng mặt bằng, cải cách hành chính để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư.
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Nguyên - Trung Quốc năm 2018, Thái Nguyên đã trao quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư cho 50 dự án với tổng số vốn đầu tư 46.740 tỷ đồng. Một số dự án sắp được triển khai như: đầu tư mở rộng bệnh viện tỉnh; nhà máy xử lý môi trường công nghệ cao; toà nhà chung cư hỗn hợp, thành phố Thái Nguyên; công viên giáo dục trải nghiệm Thái Hưng, nghĩa trang khu Nam phường Tích Lương; trung tâm hỗ trợ điều hành thông minh (IOC).
Với sự đầu tư và tốc độ phát triển ổn định, Thái Nguyên dần trở thành một trong các trung tâm kinh tế miền Bắc, vệ tinh kinh tế của thủ đô Hà Nội.
Thành Dương