Năng lực dẫn đầu ngành trong các lĩnh vực then chốt của quá trình chuyển đổi năng lượng như khoáng sản và năng lượng tái tạo càng nâng cao uy tín và sức hấp dẫn của Australia - như một điểm đến đào tạo lực lượng lao động cho tương lai.
Hầu hết trường đại học của Australia cung cấp các chương trình đào tạo chuyên ngành tập trung vào vấn đề biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng tái tạo, bắt kịp với xu thế và giúp giải quyết các vấn đề toàn cầu. Ngoài các chương trình đào tạo ở ngành kỹ thuật, công nghệ, các ngành về quản lý - phát triển chính sách công cũng chú trọng vấn đề này.
Đơn cử, chương trình Thạc sĩ về Biến đổi năng lượng và Thạc sĩ Kỹ thuật về Năng lượng Tái tạo tại Đại học Quốc gia Australia; chương trình Thạc sĩ về Năng lượng tái tạo và bền vững và Thạc sĩ Phát triển bền vững tại Đại học Murdoch; chương trình Thạc sĩ Nghiên cứu thích ứng với biến đổi khí hậu tại Đại học Sunshine Coast.
Chính phủ Australia tích cực xây dựng năng lực nghiên cứu mới, thúc đẩy thương mại hóa và đầu tư, gắn kết các lĩnh vực mới thông qua các chương trình và cam kết tài trợ. Đơn cử, chương trình Trailblazer Universities tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như công nghệ năng lượng sạch, công nghệ tài nguyên và khoáng sản, thực phẩm và đồ uống, không gian, quốc phòng. Theo chương trình này, chính phủ Australia sẽ cung cấp 370,3 triệu AUD trong vòng 4 năm (2022-2023 đến 2025-2026) cho 6 trường đại học tiên phong trong mỗi lĩnh vực.
Các Trung tâm Xuất sắc ARC được quản lý bởi Hội đồng Nghiên cứu Australia (ARC) là nơi hội tụ các nhà nghiên cứu uy tín từ các trường đại học, các cơ quan nghiên cứu, chính phủ và doanh nghiệp tại Australia cũng như quốc tế cùng hợp tác, duy trì và thúc đẩy năng lực nghiên cứu của quốc gia này. Mức tài trợ cho các tổ chức đủ điều kiện là từ 1 triệu đến 5 triệu AUD tối đa trong 7 năm. Một số Trung tâm Xuất sắc ARC đang nghiên cứu về Đổi mới khoa học carbon, chuyển đổi điện hóa xanh của CO2, Công nghệ điện tử năng lượng thấp tương lai (FLEET).
Một số trường đại học thành lập các viện để hợp tác nghiên cứu, phát triển các chủ đề bền vững. Điển hình là Viện Giải pháp khí hậu, năng lượng và thảm họa tại Đại học Quốc gia Australia, Viện Biến đổi toàn cầu tại Đại học Queensland, Cơ sở Nghiên cứu CO2 tại Đại học Western Australia và Tổ chức chống biến đổi khí hậu Climate Action Beacon tại Đại học Griffith.
Các trường đại học Australia cũng đang ứng dụng phát triển bền vững bằng những hành động cụ thể và cam kết đầy tham vọng trong hoạt động của mình. Đại học Charles Sturt là trường đại học đầu tiên của Australia được chứng nhận trung hòa carbon vào năm 2016, theo sau đó là Đại học Tasmania.
Đại học Sunshine Coast (USC) đã lắp đặt kho lưu trữ nhiệt dưới dạng bể chứa nước 4,5 megalit. Nước được làm lạnh bằng 6.000 tấm pin mặt trời và bể nước này giúp điều hòa không khí cho khuôn viên trường, giảm 40% mức tiêu thụ điện và hơn 100.000 tấn CO2, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon của USC vào năm 2025. Tương tự, Đại học Monash đã triển khai các hệ thống sáng tạo với lưới điện siêu nhỏ kết hợp sản xuất năng lượng tái tạo, pin lithium-ion, pin oxy hóa khử công nghệ Vanadium, hệ thống sạc và điều khiển cải tiến cho xe điện.
Với nhiều lợi thế, Australia đi đầu trong đào tạo nhân lực phục vụ tiến trình chuyển đổi năng lượng, đặc biệt ở 8 lĩnh vực trọng điểm bao gồm sản xuất và phân phối năng lượng tái tạo; lưu trữ năng lượng; hydrogen và năng lượng sinh học; vận tải; khoáng sản chủ chốt; sản xuất; quản lý và giảm thiểu carbon; tài chính, số hóa và quản lý bền vững.
Đặc biệt, quốc gia này cam kết thực hiện những chuyển đổi quan trọng, như đặt mục tiêu giảm 43% khí thải CO2 so với mức năm 2005 vào năm 2030; đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Tỷ trọng năng lượng tái tạo ở mức 82% vào năm 2030. Bên cạnh đó là các cam kết của chính phủ liên bang về tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu.
Lưu trữ năng lượng là thế mạnh khi quốc gia này sở hữu nhà máy pin quy mô lưới điện đầu tiên trên thế giới - Hornsdale Power Reserve được lắp đặt vào năm 2017 tại Nam Australia. Trên toàn quốc hiện lắp đặt 2,6GW pin lưu trữ năng lượng, bao gồm các hệ thống pin lưu trữ gia đình. Australia đứng đầu thế giới về tỷ lệ lắp đặt pin năng lượng mặt trời tại các hộ gia đình.
Đặc biệt, khi việc dùng pin ngày càng trở nên phổ biến trong mạng lưới giao thông, nguy cơ cháy và nổ pin lithium cần được giải quyết. Các nhân viên dịch vụ ứng cứu khẩn cấp tại bang New South Wales (NSW) bao gồm hơn 50.000 người cần được đào tạo chuyên môn để đảm bảo an toàn cho họ và cộng đồng khi ứng phó với các trường hợp khẩn liên quan đến pin lithium.
Để giải quyết nhu cầu đào tạo toàn diện, TAFE NSW đã hợp tác với nhóm Năng lực Vận hành tại Phòng Cứu hỏa và Cứu hộ NSW để phát triển khóa học đầu tiên: Ứng phó sự cố xe điện và ứng phó khẩn cấp. Chương trình này cung cấp các chủ đề như nguyên tắc cơ bản của pin lithium, các mối nguy hiểm chung, phương pháp làm việc an toàn trong các sự cố xe điện, kỹ thuật cứu hỏa và cứu hộ liên quan đến xe điện cũng như việc vận chuyển, lưu trữ, sửa chữa và xử lý xe điện bị hư hỏng một cách an toàn.
Hydrogen và năng lượng sinh học sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu thông qua việc cung cấp các giải pháp phát thải thấp thay thế cho nhiên liệu hóa thạch truyền thống. Sự phát triển nhanh chóng này đang thúc đẩy nhu cầu về kỹ năng mới của lực lượng lao động. Việc sản xuất, lưu trữ và sử dụng các thiết bị năng lượng hóa học này đòi hỏi các kỹ năng thiết kế, vận hành và bảo trì các hệ thống liên quan.
Các kỹ năng về thiết lập chính sách và quy định cũng cần thiết để quản lý thành công các dự án trong lĩnh vực này. Các trường cao đẳng nghề của Australia đã tích cực phát triển các khóa học mới để đáp ứng những nhu cầu này. Khóa học mới về Hoạt động Sản xuất Sinh học (chứng chỉ III) của TAFE Gippsland là một ví dụ.
Vận tải đường bộ có thể là lĩnh vực trọng tâm của hầu hết các nền kinh tế toàn cầu trong quá trình chuyển đổi của ngành. Doanh số bán xe điện tại Australia đã tăng 90% từ năm 2021 đến 2024; các chính sách gần đây liên quan đến xe điện như tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu và chiến lược xe điện quốc gia thể hiện cam kết của Australia trong việc thúc đẩy hơn nữa quá trình chuyển đổi hướng đến net zero của ngành.
Việc xanh hóa các phương tiện giao thông hạng nặng như xe buýt, xe tải và đường sắt chở hàng cũng đang được tiến hành, điển hình như bãi xe buýt điện 100% của Chính phủ Queensland tại Northlakes, chương trình thí điểm pin có thể thay thế cho xe tải điện của Janus Electric và nghiên cứu khả thi của Aurizon-Anglo American về tàu chở hàng chạy bằng động cơ hydrogen.
Đặc biệt, hơn 625.000 người Australia đang làm việc trong lĩnh vực giao thông vận tải. Một số cơ sở đào tạo đã và đang cung cấp các khóa học liên quan, hầu hết đều ưu tiên các khóa đào tạo liên quan đến xe điện. Các cơ sở đào tạo hàng đầu trong lĩnh vực này bao gồm CIT Fyshwick, TAFE Queensland Acacia Ridge, và the Gordon Geelong.
Trong quá trình chuyển đổi năng lượng và tiến tới giảm thiểu phát thải, kỹ năng về tài chính, quản lý bền vững và số hóa là những yếu tố quan trọng giúp các quốc gia, doanh nghiệp thực hiện tốt mục tiêu của mình. Những kỹ năng trong ngành tài chính như kế toán carbon, tín dụng carbon, mua bán phát thải là những ngành học quan trọng. Ngoài ra, các kỹ năng về nông nghiệp tái tạo, trồng trọt lâm nghiệp và khoa học đất cũng rất quan trọng để thiết lập và xác nhận các dự án bù đắp carbon đủ điều kiện.
Năm 2021, Đại học Melbourne hợp tác với Rabobank phát triển và thí điểm chương trình đào tạo Nông nghiệp Trung hòa Carbon nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nông nghiệp và ngân hàng cùng đáp ứng các mục tiêu giảm phát thải carbon trong chuỗi cung ứng. Khóa đào tạo cung cấp các kỹ năng thực tế quan trọng liên quan đến kiểm toán carbon, các phương pháp bù đắp carbon và chiến lược giảm phát thải của trang trại.
Các lĩnh vực khác như sản xuất và phân phối năng lượng tái tạo, khoáng sản chủ chốt, sản xuất cũng phát triển mạnh tại Australia, với hệ thống cơ sở đào tạo quy mô lớn, giúp nhân lực phát triển các kỹ năng thiết yếu, phục vụ quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Các khóa học và đào tạo dễ dàng được tìm thấy và so sánh trên trang thông tin du học được phát triển bởi Cơ quan Thương mại và Đầu tư Australia (Austrade).
Theo Liên Hợp Quốc, quá trình chuyển đổi năng lượng có thể tạo ra hơn 30 triệu việc làm trong lĩnh vực năng lượng sạch, công nghệ phát thải thấp và hiệu quả trên toàn cầu vào năm 2030. 60% người lao động cần được đào tạo trước năm 2027, tuy nhiên chỉ một nửa trong số đó có cơ hội được đào tạo đầy đủ tại quốc gia của họ. Những quốc gia chưa đáp ứng đủ nhanh với các cơ hội này, như Ấn Độ, với hy vọng nâng cao trình độ cho 400 triệu người lao động, sẽ cần tìm kiếm nguồn lực đào tạo từ nước ngoài.
Australia có vị thế tốt để đáp ứng nhu cầu của thế giới về đào tạo nhân lực trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng. Nền giáo dục của Australia được đánh giá hàng đầu thế giới và từ lâu đã là lợi thế cạnh tranh của quốc gia này. Bà Rebecca Ball, Tham tán Thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia chia sẻ: "Chúng tôi rất mong muốn cung cấp cho sinh viên Việt Nam các chương trình đào tạo kỹ năng chất lượng cao để giúp giải quyết, đáp ứng các nhu cầu về chuyển đổi năng lượng và mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050".
Nguyễn Phượng