Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tính cạnh tranh của thị trường lao động ngày càng cao. Theo khảo sát xu hướng tuyển dụng quý II và quý III/2022 của Manpower Group Vietnam công bố vào tháng 8/2022, 88% doanh nghiệp tham gia khảo sát có nhu cầu tuyển dụng mới hoặc duy trì nhân sự hiện tại. 6 tháng sau đó, Navigos Group ghi nhận trong báo cáo của mình, nhu cầu tuyển dụng đang sụt giảm ở nhiều ngành.
Với thời kỳ hội nhập hiện nay, nhân sự có năng lực tiếng Anh có thể tăng lợi thế cạnh tranh, làm việc trong nhiều công ty, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, khảo sát trên của Manpower Group Vietnam cũng chỉ ra, 24% công ty cho biết tỷ lệ nhân viên sử dụng tốt tiếng Anh rất thấp, chỉ đạt dưới 50% tổng số nhân sự. 30% đơn vị thừa nhận chưa đến 10% người lao động có đủ năng lực tiếng Anh cần thiết để làm việc.
Bà Đậu Thanh Hòa - Trưởng phòng Nhân sự của LG Electronics Development Vietnam chia sẻ, tại LG EDV, nhân sự sử dụng tiếng Anh thường xuyên trong công việc. Vì vậy, dù ở bất kỳ chức vụ nào, toàn bộ nhân viên đều cần đạt được chứng chỉ tiếng Anh theo chuẩn quốc tế.
"Nhân viên cần sở hữu chứng chỉ TOEIC nếu muốn được tăng bậc lương. Người trẻ phải học để trang bị kỹ năng sử dụng tiếng Anh trong khi những người có thâm niên cao lại càng cần trau dồi để không bị tụt hậu so với thế hệ kế tiếp", bà nói thêm.
Với số điểm 955 TOEIC, Ngô Hoài Thu, sinh viên năm cuối Trường Đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng, đã ứng tuyển thành công vào vị trí QA Staff (Nhân viên đảm bảo chất lượng) của một doanh nghiệp sản xuất thuốc. "Trong bối cảnh thị trường việc làm cạnh tranh gay gắt, việc sở hữu chứng chỉ TOEIC đã giúp em giành được lợi thế khi đi xin việc và có việc làm ngay khi vừa mới tốt nghiệp", cô chia sẻ.
Theo Hoài Thu, vị trí QA Staff đòi hỏi làm việc liên tục với hồ sơ tiếng Anh. Nhờ có nền từ vựng trau dồi trong quá trình ôn luyện chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, cô có thể đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành tốt công việc.
TOEIC (Test of English for International Communication) được nghiên cứu và phát triển bởi Viện Khảo thí Giáo dục Mỹ (ETS), kiểm tra khả năng sử dụng tiếng Anh của một người không sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ mẹ đẻ trong môi trường giao tiếp và làm việc quốc tế. TOEIC gồm hai lựa chọn bài thi là TOEIC Listening & Reading và TOEIC Speaking & Writing.
Tại Việt Nam, gần 500 tập đoàn, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng TOEIC làm thước đo trong đánh giá và sàng lọc ứng viên, trong đó có nhiều tập đoàn, tổ chức lớn như Vinaphone, Mobiphone, Viettel, Vietnam Airlines, Vietcombank, LG, FPT...
Theo đại diện Tổ chức Giáo dục IIG Việt Nam, đại diện quốc gia của ETS, chứng chỉ này còn mang lại lợi thế cho người đi làm trên hành trình gắn bó với tổ chức. Việc ôn luyện và thi TOEIC trang bị cho người học kiến thức và kỹ năng cần thiết để nhanh chóng hòa nhập và thích nghi với môi trường mới, nâng cao hiệu quả công việc.
Các câu hỏi trong bài thi TOEIC phản ánh tình huống và ngữ cảnh thường gặp trong môi trường làm việc ở các lĩnh vực phổ biến của nền kinh tế, từ tài chính ngân hàng, kinh doanh, bảo hiểm đến chăm sóc sức khỏe hay giải trí, du lịch; trong tất cả các khâu hay bộ phận của tổ chức, doanh nghiệp, như sản xuất, bán hàng, kỹ thuật, nhân sự...
Đồng thời, ETS liên tục cập nhật nội dung đề thi phù hợp với thực tế giao tiếp, phối hợp và triển khai công việc để đảm bảo kết quả thi phản ánh chính xác khả năng sử dụng tiếng Anh của thí sinh.
"Năng lực tiếng Anh chuẩn quốc tế giúp người đi làm sẵn sàng công tác nước ngoài, làm việc với đối tác, tiếp cận cơ hội đào tạo nâng cao", đại diện IIG Việt Nam nói thêm.
Nhật Lệ