Mới đây, Tổ chức giáo dục FPT - FPT Edu tổ chức Hội thảo giáo dục thường niên FPT Educamp năm thứ 5 với chủ đề "Trường học 4.0". Tại sự kiện, anh Dương Trọng Tấn đến từ Học viện Agile là một trong những diễn giả gây ấn tượng với bài trình bày của mình.
Khởi đầu bài chia sẻ, diễn giả Dương Trọng Tấn đặt vấn đề "vào đại học để làm gì". Đối với nhiều học sinh phổ thông, trước khi đặt bút điền vào phiếu xét tuyển, có lẽ đều từng tự vấn về mục đích của chính họ khi lựa chọn học đại học. Đó có thể là để chuẩn bị cho bản thân một nghề nghiệp, để kiếm được nhiều tiền, có cơ hội học lên cao hơn (thạc sĩ, tiến sĩ...), thậm chí cả mục đích để "oai".
Với những kỳ vọng đó, ở lứa tuổi 17, 18, giảng đường đại học từng là mơ ước của biết bao học sinh và gia đình họ. Tuy nhiên, cùng với con số từng khiến dư luận xã hội giật mình - hơn 200.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp, thì gần đây, một thực trạng khác khiến nhiều người quan tâm đến ngành giáo dục phải suy ngẫm, đó là một số trường đại học đã không tuyển sinh được.
Anh Tấn đưa ra ví dụ về một trường đại học có diện tích 4ha, với 3 cơ sở, hơn 50 phòng học rộng rãi, hơn 90 cán bộ giảng viên nhưng chỉ vỏn vẹn có 200 sinh viên.

Anh Dương Trọng Tấn chia sẻ tại hội thảo giáo dục FPT Educamp 2018 do FPT Edu tổ chức.
Ở chiều hướng khác, người học hiện nay có xu hướng tìm đến các khóa học online, hoặc những mô hình học tập mới, tập trung học kỹ năng công việc theo sở thích, sở trường cá nhân. Trong đó, có thể kể đến các khóa đào tạo lập trình viên. Một so sánh được anh Tấn đưa ra giữa: học đại học truyền thống ở Mỹ trong 4 năm, tốn 25.000 USD một năm, không được đảm bảo có việc làm sau khi ra trường và học một khóa học tại coding bootcamp (học tập trung cường độ cao) trong 14 tuần, tốn tổng cộng trung bình khoảng 17.000 USD, đảm bảo có việc làm khi tốt nghiệp.

Chia sẻ của anh Tấn nhận được nhiều phản hồi của người tham dự hội thảo.
Cùng với sự phổ biến của các thiết bị công nghệ như laptop, điện thoại thông minh... học online ngày càng trở nên hợp lý và thuận lợi. Anh Tấn chia sẻ, theo dự báo của trang Coursereport, các coding bootcamp tại Mỹ sẽ đào tạo khoảng 20.000 lập trình viên trong năm 2018. Gần đây một số coding bootcamp cũng đã xuất hiện tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM.
Trước làn sóng đó, nhiều trường đại học lớn cũng tìm cách chuyển mình để thu hút sinh viên. Ngoài cách dạy và học truyền thống, các trường bắt đầu đưa chương trình, giáo trình học lên internet, cấp bằng chính quy cho sinh viên học trực tuyến.
Tuy vậy, một số người tham dự hội thảo giáo dục FPT Educamp cũng đặt câu hỏi, học trực tuyến chú trọng đào tạo kỹ năng nhưng 5-10 năm sau, liệu người học còn dùng được những kỹ năng đó? Anh Dương Trọng Tấn cho rằng, trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, không có gì là bất biến, dù học đại học truyền thống hay học online, người ta luôn phải cập nhật kiến thức và phát triển kỹ năng của mình. "Có cơ hội làm điều gì đó mới, câu hỏi là ta có làm không", anh Tấn đặt vấn đề.
Anh cũng chia sẻ thêm: "Tôi tin đại học 4.0 sẽ thay đổi, cách thức hoạt động sẽ thay đổi sâu sắc nhưng vẫn giữ cái tinh thần nguyên thủy của nó: chỗ nào có một cộng đồng giảng viên và trí thức, nơi đó có đại học".
Ngọc Trâm