Sau dăm câu trao đổi, anh ta xin số điện thoại để hẹn gặp, tặng tôi cuốn sách mới và thảo luận kế hoạch mở một tọa đàm nhỏ về tác phẩm.
Một tối, anh ta nhắn tin nhắc lại lời hẹn và ngỏ ý tới đón tôi bằng ôtô. Nhưng tôi chủ động chọn một quán cà phê gần nhà để tự đến. Tới giờ hẹn, anh ta bất ngờ đổi địa điểm, đề nghị tới một nơi đỡ ồn ào hơn. Địa điểm mới vắng hoe, phía trong có các phòng hát karaoke. Câu chuyện bắt đầu từ cuốn sách, tới đám ma ai đó trong văn giới rồi đến công việc kinh doanh của anh ta...
Nhưng tôi bắt đầu thấy chờn chợn khi anh ta khen váy áo của tôi và đòi cầm tay tôi xem tướng số. Không an lòng, tôi xin phép về thì anh ta lộ rõ mưu đồ. Anh ta gọi nhân viên, hỏi phòng karaoke trống để "anh chị vào hát một lúc". Tôi nghe thế liền từ chối và quả quyết đi ra chỗ để xe máy. Anh ta chạy theo, giở trò sàm sỡ. Dùng hết sức bình sinh, tôi đẩy anh ta ra và lên xe, vừa đi vừa khóc.
10 năm sau đó, nhân phong trào "Me too", tôi kể lại trên mạng xã hội câu chuyện của mình. Bài viết được chia sẻ rộng rãi với sự đồng cảm của nhiều người. Trong số bình luận để lại, có một phụ nữ nhắc tôi về việc "trang phục có thể là ngôn ngữ ngầm với cánh đàn ông". Tôi giải thích rằng trang phục tôi mặc hôm đó không hề là "ngôn ngữ ngầm" vì chiếc váy dài quá gối 20 cm, tuy không tay nhưng có áo khoác len bên ngoài.
Giải thích xong tôi nghĩ, sao mình phải giải thích? Tại sao tôi phải chấp nhận thứ định kiến ăn mặc như ở thời phong kiến, khi mọi hành vi của phụ nữ đều bị quy chiếu dưới nhãn quan nam quyền. Tôi đang sống ở thế kỷ 21 đầy ắp khẩu hiệu bình đẳng giới, tôi vẫn đều đặn nhận được hoa và vô số lời chúc tụng trong các lễ tôn vinh phụ nữ. Thế tại sao tôi vẫn vấp phải định kiến rằng phụ nữ mặc cái gì cũng chỉ để nhắm tới đàn ông. Phụ nữ có quyền mặc thứ họ thích và thấy phù hợp.
Từ đó, tôi cay đắng hiểu ra, ngay cả ở một câu chuyện đơn giản, không có bất kỳ điểm mù nào để nghi ngờ về hành động quấy rối thì người ta vẫn tìm cách chĩa mũi giáo vào nạn nhân, cách này hay cách khác.
Hôm nay, bốn năm sau khi tôi kể câu chuyện của mình, một nhà thơ vừa công bố thông tin gây sốc về việc chị từng bị một đồng nghiệp cưỡng dâm. Tôi biết cả hai người họ, nhưng tôi và những người khác đều không thể xác thực nội tình câu chuyện và vì thế, không thể đưa ra kết luận gì. Nữ nhà thơ cho hay, chị công bố, sau 23 năm, vì gần đây liên tục có những tiếng nói yếu ớt cất lên từ các nạn nhân bị tấn công tình dục, khiến vết đau và những ám ảnh cũ của chị sống dậy, chà xát.
23 năm, sự thật dù ra sao, cũng đã hết thời hiệu truy cứu. Nghĩa là sự thật có thể mãi mãi không được làm rõ. Nhưng tôi chú ý tới một khía cạnh khác của câu chuyện, vẫn thường xảy ra với nhân vật nữ, như tôi và nhà thơ trên. Tôi bị nghi ngờ mặc chiếc váy có "ngôn ngữ ngầm", còn chị đối diện với những thắc mắc "phải thế nào thì...", "bao nhiêu năm, sao bây giờ mới nói"...
Những nghi ngờ với hàm ý đổ lỗi cho nạn nhân có thể là nguyên nhân của sự câm lặng, khiến họ chịu đựng nỗi thống khổ suốt đời vì sợ bị vấy tội ngược lên đầu.
Khi đang ngồi gõ những dòng này, tôi nhận được thêm lời bình luận trong bài viết cũ. Một gã đàn ông tôi không quen khuyên phụ nữ nên che chắn lại, đừng kích động bản năng sinh học của giống đực. Tôi đồ là thoạt nghe, rất nhiều đàn ông (thậm chí cả phụ nữ) sẽ gật gù đồng tình, coi như một gợi ý về cách tự vệ hợp lý cho phái yếu. Nhưng tôi, với sự tôn trọng hết mực những người đàn ông chân chính, không thể chấp nhận lý lẽ nặng tính hủ lậu đó.
Phụ nữ ăn mặc ra sao là lựa chọn riêng của họ. Ngoài những chuẩn mực chung về cách ăn mặc ở các không gian đặc thù (công sở, hội họp...), phụ nữ có quyền chọn mặc bất kỳ kiểu nào họ muốn và cần được cảm thấy an toàn với mọi phong cách họ theo đuổi. Đó là quyền cơ bản và chính đáng. Chỉ những cộng đồng chứa chất nhiều bất trắc và thiếu ý thức bảo vệ quyền cá nhân, quyền tự do của con người mới chấp nhận lời khuyên kiểu phòng vệ kia.
Do tính chất của hành vi phạm tội, không chỉ ở Việt Nam, bất cứ đâu trên thế giới, những vụ tố cáo tấn công tình dục đều rất khó làm sáng tỏ. Người ngoài cuộc, nghe tố cáo một chiều ngay lập tức quy kết, tấn công nghi phạm là phiến diện; càng không có quyền ỡm ờ bào chữa cho kẻ tấn công, bằng những ám chỉ, chẳng hạn đổ lỗi cho cái váy.
Nguyễn Thị Thanh Lưu