Tại các trạm xe buýt, xe chưa đến, khách đã xếp hàng, thậm chí cầm sẵn thẻ thanh toán tiền vé. Trước khi xe đến đích, nhiều người đứng dậy đợi mở cửa.
Lối sống tốc độ ăn sâu vào huyết quản của người Hàn Quốc, vấn đề thường trở thành cú sốc văn hóa với người nước ngoài khi đến đây. Ở xứ sở kim chi, người ta thường xuyên nghe thấy câu nói "ppalli ppalli'' (nhanh chóng, vội vã) - từ thường được dùng thúc giục ai đó phải hoàn thành công việc càng nhanh càng tốt.
Lý giải hiện tượng này, nhiều chuyên gia cho rằng quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa những năm 1950 đòi hỏi sự tốc độ. Trong bối cảnh đó, nhanh rất hiệu quả và là cơ sở cho sự phát triển xã hội.
Các nhà phân tích có nhiều luồng quan điểm về động lực thúc đẩy xu hướng ppalli ppalli. Hầu hết cho rằng lối sống này ra đời từ thời kỳ "nhảy vọt", giúp Hàn Quốc từ quốc gia nghèo khó thành cường quốc kinh tế. Người khởi xướng thời kỳ phát triển này là cựu tổng thống Park Chung Hee.
Dù chế độ độc tài quân sự của ông vẫn gây tranh cãi, nhưng ông đã truyền tinh thần "làm được" vào các doanh nghiệp và cuộc sống hàng ngày của người dân. Ông đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng như đạt 10 tỷ USD xuất khẩu và hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông trên toàn quốc, biến chúng thành hiện thực. Kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc chỉ 100 triệu USD vào năm 1964, tăng lên 10 tỷ USD vào năm 1977, trước thời hạn ba năm. Chính quyền chỉ mất 2,5 năm để hoàn thành đường cao tốc Gyeongbu, một tuyến đường cao tốc nối thủ đô với cực nam Busan, vào năm 1968.
Hiện đại hóa góp phần thúc đẩy xu hướng tốc độ, nhưng không phải yếu tố duy nhất. Điều đó được chứng minh trong ghi nhận của những du khách nước ngoài.
"Người Hàn Quốc có xu hướng vội vàng mọi lúc, mọi nơi nên họ thường thiếu chính xác", vua Sejong, người trị vì thứ tư của triều đại Joseon (1392-1910), viết trong biên niên sử Hoàng gia.
"Các giáo viên nước ngoài sẵn sàng làm chứng cho sự nhạy bén về tinh thần và khả năng nhận thức nhanh, cũng như tài tiếp thu ngôn ngữ nhanh chóng. Họ nói trôi chảy hơn và có giọng tốt hơn nhiều so với người Trung Quốc hoặc Nhật Bản", Isabella Bird Bishop, một nhà thám hiểm và nhà văn người Anh viết trong cuốn "Korea and Her Neighbors'', phát hành năm 1897.
Tuy nhiên, vẫn có người nhận định người Hàn Quốc lười biếng. Nhà địa lý người Mỹ Ellen Churchill Semple và tiểu thuyết gia Fannie Caldwell Macaulay quan sát đặc điểm này vào đầu những năm 1900, giải thích rằng hệ thống kinh tế không công bằng đã thúc đẩy sự lười biếng.
"Người Hàn Quốc ngoan ngoãn, hòa nhã, lười biếng, kém hiệu quả. Lý tưởng của họ là 'nhàn rỗi danh giá'. Đối với họ, tất cả sự nhàn rỗi đều đáng trân trọng'', họ viết trong một báo cáo.
Một số quan chức Nhật Bản trong thời kỳ thuộc địa cũng đưa ra đánh giá tương tự. Mặc dù nhiều ý kiến cho rằng nên coi những nhận xét đó như muối bỏ bể, vì mục đích không khách quan.
Người Hàn Quốc đặc biệt thiếu kiên nhẫn với tốc độ Internet chậm vì cản trở việc trao đổi nhanh chóng như thông tin liên lạc, ngân hàng, mua sắm và rất nhiều tác vụ khác được thực hiện qua điện thoại. Một số chọn đóng trình duyệt và thử lại thay vì nhìn vào màn hình tải trong ba giây nữa.
Khi KakaoTalk, một ứng dụng nhắn tin di động được hơn 90% dân số Hàn Quốc sử dụng, gặp sự cố trong giây lát, người dùng nhanh chóng chuyển sang các kênh mạng xã hội khác để báo cáo khiếu nại, đưa "lỗi KakaoTalk" lên đầu các cụm từ thịnh hành trên các trang web.
Một lỗi trên ứng dụng liên quan đến việc gửi văn bản và hình ảnh xảy ra vào năm ngoái trong hai giờ. Lập tức, những lời phàn nàn tràn ngập khắp các diễn đàn trực tuyến và các trang mạng xã hội.
Từ quan điểm của nền văn hóa ppalli ppalli, hệ thống giao thông công cộng của Hàn Quốc cũng phải đáp ứng nhu cầu di chuyển nhanh. Tàu cao tốc, hệ thống tàu điện ngầm và xe buýt của đất nước phát triển tốt, phủ khắp mọi nơi.
Tại mỗi trạm xe buýt, một bảng hiển thị thời gian các chuyến xe buýt sẽ đến. Seoul sử dụng các bảng điện tử này tại hơn 800 điểm dừng, với khoảng 7.800 xe buýt nội thành được kết nối với hệ thống. Thời gian ước tính không chính xác tuyệt đối nhưng chính quyền thành phố vẫn tiếp tục cải thiện. Chính quyền thành phố Seoul cho biết, độ chính xác của các bảng báo thời gian xe buýt đạt 94%.
Tuy nhiên, theo thời gian, người dân trong nước biết thực hành ppalli ppalli có thể dẫn đến sự cẩu thả hoặc bỏ qua các giá trị quan trọng, ảnh hưởng sức khỏe tinh thần.
Người Hàn Quốc gọi món ăn trong nhà hàng, họ muốn có trong tay càng nhanh càng tốt. Thực tế thì ở quốc gia nào khách hàng cũng muốn được phục vụ nhanh, nhưng ở Hàn Quốc khách thường tỏ thái độ cực đoan hơn. Người đặt đơn muốn thực phẩm họ đặt đến trong vòng chưa đầy 30 phút, nếu lâu hơn một giờ họ sẽ gọi điện khiếu nại.
Trong lĩnh vực mua sắm trực tuyến, mất hơn hai ngày đặt mới nhận được hàng thử thách sự kiên nhẫn của nhiều khách hàng Hàn Quốc. Những doanh nghiệp thương mại điện tử nổi tiếng như Coupang và Market Kurly đã giới thiệu hình thức giao hàng trong ngày hoặc vào sáng sớm để đảm bảo các gói hàng đến trong vòng 24h sau khi đặt.
Dù xu hướng ppalli ppalli có thể đã giúp đất nước phát triển với tốc độ nhanh chóng, nhưng những sự cố do vội vàng cũng dễ xảy ra. Một ví dụ mang tính biểu tượng là sự sụp đổ của cửa hàng bách hóa Sampoong vào năm 1995, khiến 502 người thiệt mạng và hơn 900 người bị thương. Nguyên nhân của sự sụp đổ là do cẩu thả trong xây dựng.
Trước đó 8 tháng, cây cầu Seongsu ở Seoul bị sập xuống sông, cuốn theo rất nhiều ôtô, xe tải và xe buýt. Một lần nữa, nguyên nhân là một phần là sai sót do cẩu thả.
Sau một loạt các sự cố bi thảm, trong đó văn hóa vội vã bị cho là có góp phần, các nhà lãnh đạo ở Hàn Quốc đã ít nói đến chuyện tốc độ hơn. Họ chuyển hướng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tỉ mỉ và chính xác, đặc biệt là khi bước vào những năm 2000.
Nhật Minh (Theo koreajoongangdaily)