Mới đây, người phụ nữ họ Chen, 33 tuổi cùng chồng 43 tuổi, ở Thượng Hải quyết định nghỉ hưu sớm. Chen là nhân viên thiết kế trò chơi, chồng kinh doanh bất động sản. Cả hai mất việc năm ngoái do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Sau nhiều tháng tìm việc không có kết quả, cặp đôi quyết định ở nhà và sống dựa vào 3 triệu tệ (hơn 10 tỷ đồng) tiết kiệm. Mỗi tháng họ nhận thêm 10.000 tệ (34 triệu đồng) tiền lãi ngân hàng.
Cặp đôi cho biết sẽ nuôi mèo thay vì sinh con và được bố mẹ đồng ý do lớn tuổi và cảm thấy mệt mỏi nếu phải trông cháu. Họ cũng không phải chăm sóc bố mẹ bởi ông bà đều có lương hưu và bảo hiểm y tế.
"Tôi không phải là người sống có trách nhiệm nên ngại sinh con. Tôi chỉ muốn được ăn uống, vui chơi và tận hưởng cuộc sống", Chen nói.
Từ ngày nghỉ hưu sớm, hai vợ chồng không bị đồng hồ báo thức tra tấn, bất an khi thấy sếp giao việc lúc nửa đêm nên sức khỏe và tinh thần cải thiện. Hai vợ chồng cũng tự nấu ăn, hạn chế đi chơi và chỉ tiêu 6.000 tệ mỗi tháng để phù hợp với lối sống "nằm một chỗ". Họ dự tính khoản tiền tiết kiệm đủ sống trong 30 năm tới.
Quyết định nghỉ hưu sớm nhưng không nhiều tiền dự trữ khiến vợ chồng Chen liên tục nhận câu hỏi về tương lai. "Đa số người thân, bạn bè đều lo lắng khi biết chúng tôi sẽ theo đuổi lối sống này đến 60-70 tuổi. Nhưng đó là chuyện tương lai, còn hiện tại chúng tôi hài lòng với mọi thứ", cô đáp.
Câu chuyện nghỉ hưu sớm của vợ chồng Chen trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi trên mạng xã hội Trung Quốc. Phần lớn đều ao ước cuộc sống tương tự, nhưng một số người đánh giá đây là quyết định nông nổi, không thực tế và dễ gây hậu quả. "Họ có chút bốc đồng khi đưa ra quyết định này. Ba triệu tệ không phải con số quá lớn, nếu có sự cố phát sinh, họ rất dễ rơi vào khủng hoảng", một người dùng mạng để lại bình luận.
Lối sống vợ chồng Chen theo đuổi có tên là "tang ping" (nằm thẳng) - từ bỏ tham vọng nghề nghiệp, chỉ làm việc tối thiểu, đủ sống qua ngày hoặc không làm gì. Hiện lối sống này ngày càng phổ biến, được Gen Z (sinh năm 1996 đến năm 2012) của Trung Quốc gọi tên là "triết lý nằm thẳng".
Đa số những người theo đổi cách sống này vì muốn tránh né áp lực giáo dục và văn hóa cạnh tranh khốc liệt. Một số chuyên gia cũng cho rằng, lối sống này là sự phản kháng của giới trẻ đối với những chính sách do chính phủ đề ra để thúc đẩy kinh tế phục hồi.
Minh Phương (Theo SCMP)