Theo báo cáo của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, tuổi thọ trung bình của nam giới ở đảo Okinawa, còn gọi Vùng Xanh (Blue Zones), là 80,73; nữ giới là 87,88. Ngoài ra, nhiều tỉnh thành khác cũng có người dân sống thọ là Okayama, Shiga...
Ngày 20/10, TS.BS Phạm Nguyên Quý, Bệnh viện Kyoto Miniren, cho biết có một số lý do khiến người Nhật sống thọ, sống khỏe trong đó có chế độ ăn uống. Các bữa ăn truyền thống của Nhật Bản thường nhiều dưỡng chất nhưng ít chất béo, thịt đỏ, tập trung vào cá, rau củ và ngũ cốc. Người dân cũng có xu hướng ăn khẩu phần nhỏ hơn và ngừng ăn khi bụng đã no khoảng 80% (nguyên tắc ăn 8 phần dạ dày).
Bên cạnh ăn uống, dân Nhật Bản còn có thói quen chăm chỉ vận động, được rèn luyện từ thời trẻ. Trong cuộc sống hằng ngày, nhiều người di chuyển bằng phương tiện công cộng, đi bộ hoặc xe đạp
"Người dân ở đây nổi tiếng với lối sống năng động, nhiều người đi bộ hoặc đạp xe đi làm. Họ cũng có truyền thống 'Radio Taiso', là chương trình tập thể dục hàng ngày được phát trên đài", bác sĩ Quý nói, thêm rằng thói quen này giúp tiêu thụ năng lượng dư thừa, nâng cao khả năng tập trung ở nơi làm việc.
![Người dân Okinawa Nhật Bản thu hoạch nông sản tại vườn. Ảnh: Globe Trender](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2023/10/20/1-8573-1697811964.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=UoIGzId1_VBPRnsllh_XZA)
Người dân Okinawa Nhật Bản thu hoạch nông sản tại vườn. Ảnh: Globe Trender
Đặc biệt, người Nhật có ý thức cộng đồng mạnh mẽ và thường tham gia các hoạt động thể chất khác. Họ cũng ưu tiên nghỉ ngơi, thư giãn bằng các phương pháp dưỡng thân như ngầm bồn nước nóng, tắm suối nước nóng. Bên cạnh đó là phương pháp dưỡng tâm bằng thiền, trà đạo.
Người Nhật có văn hóa khám sức khỏe định kỳ, được gọi là "Kenshin". Những lần kiểm tra này thường miễn phí và có thể giúp phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe. Họ cũng rất coi trọng việc phòng bệnh bằng các biện pháp như đeo khẩu trang trong mùa cảm cúm, rửa tay thường xuyên.
Từ bài học của nước Nhật, bác sĩ Quý khuyến nghị người Việt nên tăng cường vận động, chú tâm đến nhiều khía cạnh của cuộc sống, từ sức khỏe cá nhân đến môi trường sống và xã hội, để cải thiện tuổi thọ, sống khỏe mạnh.
Người trưởng thành nên tham gia các chương trình thể dục thường xuyên như yoga, aerobic, luyện tập ngoài trời dưới không gian xanh, trong lành hoặc câu lạc bộ thể dục cộng đồng. Cùng tạo ra các sự kiện, lớp học hoặc nhóm thể dục cộng đồng để chia sẻ ý tưởng và kỹ thuật tập luyện.
Tạo không gian sạch sẽ, thoáng đãng, thân thiện với trẻ em và người cao tuổi như các công viên, sân chơi ngoài trời, và các hoạt động giáo dục liên quan đến sức khỏe để tạo thói quen tốt từ bé.
Nhà nước nên đầu tư vào giao thông công cộng hiệu quả, khuyến khích người dân sử dụng xe buýt, xe đạp, hoặc đi bộ. Xây dựng các làn đường xe đạp an toàn và hệ thống cho thuê xe đạp công cộng.
![Duy trì thói quen chạy bộ giúp cải thiện sức khoẻ. Ảnh: Phương Nguyễn](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2023/10/20/394776259-667539242140750-6627-3223-6685-1697811964.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=GYo0JNKDBlCu8V_mLx2Vkw)
Duy trì thói quen chạy bộ giúp cải thiện sức khỏe. Ảnh: Phương Nguyễn
Tại Việt Nam, theo thống kê của Tổng cục Dân số, tuổi thọ bình quân của người Việt tăng nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp so với nhiều nước. Cụ thể, phụ nữ sống có bệnh tật trung bình khoảng 11 năm và nam giới khoảng 8 năm. Trong khi đó, tuổi thọ trung bình ở Việt Nam cao nhưng tuổi thọ khỏe mạnh của người cao tuổi thấp (64 tuổi); đặc biệt, 67,2% người cao tuổi có tình trạng sức khỏe yếu và rất yếu.
Lê Nga