Mùa nắng, những chiếc bè phao ngưng hoạt động, người dân thôn Bung, Mò O, làng Già, làng Chai tự làm cầu tre bắc ngang qua sông Re để thu phí 2.000 - 5.000 đồng (kèm theo xe đạp, xe máy) hai lượt qua lại. Hôm nào có tiền thì học sinh đi cầu tre đến trường, khi hết tiền thì đành lội sông. |
Học sinh THCS Sơn Ba vượt qua quãng sông sâu từ làng Bung qua làng Tranh đến lớp. |
Đội áo lạnh, sách vở trên đầu, dò dẫm vượt sông. |
Nước thường ngập đến bụng nên các bạn nam sinh thường cởi quần dài khi vượt sông. |
Sách vở rơi xuống sông ướt nhèm, lấm lem bùn đất là chuyện thường. Ông Đặng Ngọc Dũng, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà xót xa, do địa hình cách trở nên nhiều năm qua đường đến trường của hàng trăm học sinh ở xã Sơn Ba còn quá gian nan vất vả. Mùa mưa thì "đu dây" kéo bè đến trường, mùa nắng thì tìm địa điểm nào cạn nhất để vượt sông (do gia đình nghèo nên không thể trang trải tiền nộp phí) qua những chiếc cầu tre do người dân tự làm. |
Không chỉ vượt quãng sông Re rộng hơn 300 m, học sinh Tiểu học, THCS Sơn Ba còn vượt qua nhiều con suối rộng để đến trường. Thầy Đặng Ngọc Việt, Hiệu phó THCS Sơn Ba cho biết, nhiều lần trường kiến nghị với chính quyền địa phương can thiệp nhưng lãnh đạo xã bảo người dân tự làm cầu tre bắc qua sông, họ có quyền thu phí. |
Nhiều em ngồi học mà quần sũng nước. Cô Lưu Nguyễn Thúy Ly, giáo viên Tiểu học Sơn Ba bộc bạch, thương học trò nghèo, có hôm các giáo viên trích tiền lương hỗ trợ các em tiền phí qua cầu nhưng chỉ vài hôm sau hết tiền là các em lại phải lội sông Re để rồi vừa học vừa run. |
Những hôm trời mưa lớn, mực nước trên các sông suối dâng cao khiến học sinh không thể đến trường, có lớp vắng hơn 1/3 sĩ số. Tiểu học THCS Sơn Ba phải bố trí các giáo viên dạy học bù cho học sinh vào những ngày sau đó. Trước thực trạng này, huyện Sơn Hà đã nhiều lần kiến nghị tỉnh Quảng Ngãi xem xét hỗ trợ đầu tư chiếc cầu kiên cố bắc ngang qua sông Re nhưng do kinh phí quá lớn lên đến hàng chục tỷ đồng nên chưa thực hiện được. |
Trí Tín