Hôm sau thì quả là anh ta trúng số thật và bèn cạo sạch mái tóc như đã nguyện.
Khá khen một người biết giữ lời hứa, nhưng nếu câu chuyện giản dị chỉ như vậy thì cũng chẳng có gì đáng nói. Anh bạn tiếp lời phân trần rằng, tiếc thay anh ta chỉ trúng được lô an ủi có hai chục nghìn đồng thôi mà lại phải trả tiền hớt tóc đến hai mươi lăm nghìn.
Cách đây khá lâu ở Mỹ, nghe nói có người đăng một mẫu quảng cáo rao bán máy may với giá cực rẻ chỉ có một đô mà thôi. Mọi người ùn ùn gửi tiền đặt mua để rồi chưng hửng khi nhận được một phong bì trong có một chiếc kim may! Bị mang ra tòa kiện, anh bán hàng tinh ranh biện hộ rằng chiếc kim may thực sự cũng là một “dụng cụ sản xuất”, hay nói một cách khác cũng là một cái “máy” để may áo quần.
Người thì “mất tóc” vì tham tiền mà không muốn nhọc công, kẻ “mất tiền” vì tham của mà vội tin người và quên rằng “của rẻ là của ôi”. Phải chi người bạn mất tóc khấn nguyện rõ là mình chỉ muốn trúng số “độc đắc”, và phải chi người mất tiền biết tìm hiểu kỹ xem thế nào là cái gọi là “máy may”. Tóc thì rồi sẽ mọc lại, mất một đô thì cũng chẳng hề cháy túi, nhưng trên thương trường mà phạm những lỗi lầm tương tự, không xác định rõ các điều kiện khi làm “giao kèo” thì sẽ có những bài học để nhớ đời.
Năm 1985, Singapore lâm vào một thời kỳ kinh tế suy thoái nặng nề đến nỗi thị trường chứng khoán có lúc đã phải đóng cửa 3 ngày và hầu như tất cả các chủ doanh nghiệp đều bị ngân hàng và chủ nợ mang ra pháp trường. Giữa cảnh dầu sôi lửa bỏng đó, có lẽ vì còn trẻ và một phần cũng vì “điếc không sợ súng”, tôi quyết định rời bỏ chức vụ giám đốc một ngân hàng quốc tế để thành lập một công ty tư vấn chuyên cứu những công ty bên bờ vực phá sản ở Singapore.
“Bệnh nhân” đầu tiên là một công ty bất động sản với 3 khách sạn, 65 biệt thự, 100 lô đất đang bắt đầu cất nhà, cùng gần trăm nghìn m2 đất và công ty đang cõng một số nợ từ 7 ngân hàng với tổng số khoảng 300 triệu đô Sing. Tại thời điểm ấy thì công ty này có một khách sạn 13 tầng ở đường Orchard trị giá 60 triệu đô đã “nằm dưới nước” vì có người muốn mua với giá 25 triệu đô trong khi món nợ ngân hàng đã hơn 40 triệu.
Như người sắp chết đuối vớ được cái phao, hai vợ chồng chủ công ty hết lời ngon ngọt và hứa trả tiền thưởng 2% trên số tiền bán các bất động sản của họ nếu tôi cứu cho công ty không bị phá sản. Nghĩ rằng các thương gia người Hoa luôn có tiếng là biết giữ lời hứa, tôi bèn nhận lời và xắn tay áo bắt tay vào việc.
Cuộc chiến thật vô cùng vất vả, đôi lúc tưởng phải bỏ cuộc. Nhưng sau một thời gian khá dài, vượt qua bao sóng gió cho đến khi kinh tế Singapore phục hồi, “bệnh nhân” của tôi tuy mang đầy thương tích nhưng đã sống sót và riêng cái khách sạn ấy đã được một tập đoàn lớn của Hong Kong mua lại với giá 400 triệu đô Sing. Theo “nguyên tắc” thì chỉ việc bán cái khách sạn này số tiền thưởng cũng phải là 8 triệu đô. Thế nhưng nào có cái “nguyên tắc” gì đâu vì một khi đã đứng vững trên hai chân thì họ nuốt lời hứa. Mang ra tòa kiện tụng thì cũng chẳng đến đâu vì mình đã quá tin vào lời hứa cuội của mấy ông bạn tốt người Hoa và không có một mảnh giấy nào để chứng minh số tiền thưởng trên giá bán như đã hứa.
Một vị bác sĩ có lương tâm đứng trước một tai nạn giao thông, thấy nạn nhân nằm quằn quại đau đớn bên đường sẽ không hề hỏi xem người ấy có đủ tiền trả cho mình không rồi mới ra tay cứu độ. Hành nghề “bác sĩ công ty” trong thương trường thì dù có lương tâm cách mấy đi nữa cũng cần phải có văn tự không những để bảo vệ quyền lợi mà cả trách nhiệm của mình. Định rõ các điều kiện giao kèo trong thương trường là điều căn bản, nhưng một điều quan trọng nữa là phải tìm cách ghi lại tất cả trên mặt giấy. “Lời nói bay đi, chữ còn lại”, hay nói theo người Mỹ thì ba điều quan trọng cần nhớ là “documentation – documentation – documentation”. Có gì thắc mắc thì hãy tìm đến một luật sư để được cố vấn về pháp lý.
Phải chi ngày xưa khi tóc mình còn xanh mà lại có được những kinh nghiệm như bây giờ nhỉ!
Võ Tá Hân