-
QCG / Quốc Cường Gia Lai lãi đậm
Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG) cho biết doanh thu quý đầu năm giảm hơn 78% so với cùng kỳ, chỉ đạt 81 tỷ đồng vì cắt giảm kinh doanh hàng hoá để tập trung vào ba mảng chính là bất động sản, thuỷ điện và cao su.
Khoản mục biến động lớn nhất trong báo cáo tài chính hợp nhất là doanh thu tài chính với 36 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chưa đến 2 tỷ đồng. Ban lãnh đạo công ty giải thích nguồn thu này là lãi chuyển nhượng vốn góp. Đây cũng là nhân tố chính giúp lãi sau thuế của công ty nhảy vọt lên 30 tỷ đồng, gấp khoảng sáu lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Nợ phải trả của Quốc Cường Gia Lai đến cuối kỳ hơn 7.150 tỷ đồng, chiếm đến 62% cơ cấu nguồn vốn. Giá trị hàng tồn kho giảm nhưng vẫn trên 8.000 tỷ đồng, chủ yếu là tiền sử dụng đất, chi phí đền bù, xây dựng các dự án.
Phương Đông
-
PLX / Petrolimex lỗ đậm trong quý I
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (PLX) cho biết, doanh thu thuần bán hàng và dịch vụ quý I chỉ đạt gần 38.500 tỷ đồng, giảm hơn 3.500 tỷ so với cùng kỳ 2019. Hàng tồn kho lớn khiến tập đoàn này trích lập dự phòng giảm giá gần 1.659 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái được hoàn nhập hơn 500 tỷ đồng.
Quý I, Petrolimex ghi nhận lỗ trước thuế hơn 1.700 tỷ đồng (cùng kỳ lãi gần 1.600 tỷ). Do lợi nhuận gộp chỉ xấp xỉ 450 tỷ đồng, giảm tới 88% so với cùng kỳ, khiến biên lãi gộp của tập đoàn co lại còn 1,17% (cùng kỳ là 9%). Với dữ liệu này, Petrolimex ghi nhận lỗ gần 1.900 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm nay. Riêng công ty mẹ Petrolimex, mức lỗ gần 2.300 tỷ đồng trong quý I.
Như vậy, so với con số ước tính lỗ 572 tỷ đồng trong báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, khoản lỗ thực của Petrolimex cao hơn gấp 3 lần.
Nguyên nhân theo Petrolimex là doanh nghiệp có hệ thống phân phối phủ toàn quốc và xăng dầu là mặt hàng phải có đủ dự trữ tồn kho. Trong khi quý I, giá dầu thế giới giảm sâu tới 60%, đã tác động đến giá vốn tồn kho của doanh nghiệp. Đến 31/3, giá trị tài sản ngắn hạn của tập đoàn là 31.940 tỷ đồng, giảm gần 18% so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho gần 6.760 tỷ, giảm 43%.
Anh Minh
-
Vietravel lỗ quý I gần bằng lợi nhuận cả năm 2019
Vietravel - công ty lữ hành với tổng tài sản hơn 1.900 tỷ đồng chịu lỗ hơn 41 tỷ quý I, gần bằng lợi nhuận làm ra cả năm 2019.
-
Habeco lần đầu báo lỗ sau hơn chục năm
Do ảnh hưởng kép của Covid-19 và Nghị định 100, công ty mẹ của bia Hà Nội và Trúc Bạch lần đầu tiên báo lỗ trăm tỷ đồng sau chục năm.
-
Lãi Sabeco thấp nhất bảy năm
Lợi nhuận sau thuế quý đầu năm của Sabeco giảm gần phân nửa, chưa đến 720 tỷ đồng và phá kỷ lục thấp nhất từ năm 2013 đến nay.
-
MSN / Masan: Doanh thu tăng gấp đôi sau khi hợp nhất Vincommerce
Tập đoàn Masan cho biết doanh thu thuần hợp nhất quý đầu năm đạt hơn 17.630 tỷ đồng, tăng 116% so với cùng kỳ. Ba thành viên trụ cột của tập đoàn đều tăng trưởng hai chữ số, chỉ riêng Masan Resources giảm 10% doanh thu do giá khoáng sản tiếp tục ở mức thấp vì tác động của dịch bệnh.
Cơ cấu doanh thu của Masan biến động mạnh khi hợp nhất kết quả kinh doanh của VinCommerce. Công ty này đóng góp gần phân nửa doanh thu cho tập đoàn, tương đương hơn 8.700 tỷ đồng. Mức lỗ của công ty này cũng giảm một nửa so với cùng kỳ năm ngoái.
Tiếp đến, công ty hàng tiêu dùng (Masan Consumer) thu hơn 4.600 tỷ đồng và chiếm tỷ trọng hơn 26%. Tăng trưởng của doanh nghiệp này đến từ chiến lược cao cấp hoá các dòng sản phẩm, cộng thêm nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tại nhà tăng mạnh trong mùa dịch. Phần còn lại đến từ ngành thịt, chăn nuôi của Masan MEATLife và khoáng sản của Masan Resources với tỷ trọng lần lượt hơn 19,2% và 6%.
Ban lãnh đạo Masan kỳ vọng lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông sẽ tăng tốc từ quý II khi VinCommerce cải thiện lợi nhuận hơn nữa và đầu tư chiến lược trong quý I cho công ty hàng tiêu dùng bắt đầu có kết quả.
Năm nay, Masan đặt mục tiêu EBITDA (thu nhập trước thuế, lãi vay và khấu hao) cả năm của Vincommerce từ âm 3% đến hoà vốn. Cơ sở cho kế hoạch này dựa trên ba đầu việc là hợp lý hoá chi phí; đổi mới danh mục sản phẩm theo vùng miền, mùa vụ và chuyển đổi số. Trong khi đó, công ty hàng tiêu dùng được kỳ vọng nhiều hơn với mức tăng trưởng doanh thu 15% và lợi nhuận hai chữ số. Bốn ngành hàng trọng tâm phục vụ kế hoạch này là gia vị; đồ uống; thực phẩm tiện lợi, chế biến; sản phẩm chăm sóc cá nhân - gia đình.
Phương Đông
-
Vietnam Airlines lỗ hơn 2.600 tỷ đồng quý I
Chỉ trong 3 tháng đầu năm, Covid-19 để lại cho Vietnam Airlines khoản lỗ 2.600 tỷ đồng, cao hơn lợi nhuận sau thuế của họ cả năm 2019.
-
VIC / Doanh thu Vingroup giảm 30% do thoái vốn mảng bán lẻ
Trong quý I, doanh thu thuần hợp nhất của Vingroup đạt 15.368 tỷ đồng, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do không còn ghi nhận doanh thu từ hoạt động bán lẻ (quý I/2019 doanh thu bán lẻ hơn 7.000 tỷ đồng).
Doanh thu từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản; dịch vụ khách sạn, du lịch và vui chơi giải trí thấp hơn cùng kỳ. Trong khi đó, doanh thu từ hoạt động sản xuất đạt 3.259 tỷ đồng, tăng 164,6% do trong năm 2019, doanh thu bán ôtô bắt đầu được ghi nhận từ tháng 6.
Hoạt động tài chính cũng tăng mạnh nhờ khoản doanh thu chuyển nhượng công ty con và thanh lý các khoản đầu tư tài chính hơn 8.300 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế quý 1 của Vingroup đạt 3.428 tỷ đồng, tăng 77,8%. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt hơn 500 tỷ đồng, giảm 50% do chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp tăng từ 900 tỷ lên 2.670 tỷ đồng.
Tại ngày 31/3, tổng tài sản Vingroup đạt 413.613 tỷ đồng, tăng gần 10.000 tỷ đồng so với đầu năm. Đối ứng bên phần nguồn vốn là hơn 291.000 tỷ đồng nợ phải trả và 122.000 tỷ vốn chủ sở hữu.
Minh Sơn
-
FRT / Lợi nhuận FPT Retail giảm mạnh
Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT ghi nhận doanh thu bán hàng quý đầu năm tăng nhẹ so với cùng kỳ, đạt hơn 4.140 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp được cải thiện gần hai điểm phần trăm, lên 13,7%.
Chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều tăng là nguyên nhân khiến lãi sau thuế giảm 44%, chỉ đạt 35 tỷ đồng. Lý giải điều này, ban lãnh đạo FPT Retail cho biết, quý đầu năm là thời điểm đến hạn tăng tiền thuê mặt bằng định kỳ và công ty cũng phải điều chỉnh phân bổ lương hiệu quả kinh doanh khiến chi phí bị đội lên. Ngoài ra, lợi nhuận giảm còn đến từ việc đầu tư mở rộng chuỗi nhà thuốc Long Châu lên 83 cửa hàng. Chuỗi nhà thuốc này đóng góp gần 240 tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ.
Tổng nguồn vốn tính đến cuối kỳ đạt hơn 6.000 tỷ đồng, giảm hơn 500 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Nợ phải trả chiếm hơn 78% trong cơ cấu nguồn vốn, chủ yếu hình thành từ các khoản vay tài chính ngắn hạn. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hiện đạt 520 tỷ đồng.
Phương Đông
-
SCR / TTC Land lãi sau thuế 48 tỷ đồng
Báo cáo tài chính của Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (SCR) ghi nhận doanh thu thuần 140 tỷ đồng. Cơ cấu doanh thu biến động mạnh khi tỷ trọng của hoạt động chuyển nhượng bất động sản và cho thuê đều cải thiện, lần lượt chiếm 42% và 20%. Phần còn lại đến từ doanh thu dịch vụ bất động sản và các khoản khác.
Theo ban lãnh đạo doanh nghiệp này, việc ghi nhận bàn giao dự án lùi lại các quý sau do lệnh cách ly xã hội khiến doanh thu giảm 19%. Bù lại, chiến lược đa dạng hóa nguồn thu, tái cấu trúc để tiết giảm chi phí giúp biên lợi nhuận ròng cải thiện đáng kể so với cuối năm ngoái, đạt 34%. Lãi sau thuế quý đầu năm đạt 48 tỷ đồng.
Tính đến cuối kỳ, tổng tài sản tăng nhẹ lên gần 11.000 tỷ đồng. Hàng tồn kho duy trì ở mức 4.180 tỷ đồng, chiếm khoảng 38% tài sản và chủ yếu là chi phí đầu tư dở dang tại các dự án. Công ty dự kiến bàn giao 90% dự án tại quận Tân Phú trong các quý tiếp theo để tăng doanh thu, giảm lượng hàng tồn kho tương ứng. Khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn xấp xỉ 1.200 tỷ đồng, chiếm 11% tổng tài sản. Tỷ lệ nợ vay trên tổng tài sản vào khoảng 0,21 lần, thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp cùng ngành.
Phương Đông