Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) ghi nhận hơn 2.200 tỷ đồng doanh thu quý I, giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn giảm nhưng tốc độ chậm hơn nên biên lợi nhuận gộp trong kỳ này lùi về 17%.
Vĩnh Hoàn tiết kiệm được chi phí bán hàng, trong khi chi phí lãi vay đội lên nhiều so với trước. Doanh nghiệp này mỗi ngày phải trả hơn 400 triệu đồng lãi cho tổng cộng gần 2.800 tỷ đồng nợ vay ngân hàng.
Tổng lại, lợi nhuận sau thuế quý I của VHC giảm hơn 60% về gần 226 tỷ đồng. Ban lãnh đạo công ty lý giải kết quả trên là do sản lượng và giá bán giảm.
Trong cơ cấu doanh thu ba tháng đầu năm, mảng cá tra giảm 40% so với cùng kỳ, về khoảng 1.300 tỷ đồng. Ở chiều xuất khẩu, thị trường Mỹ và Trung Quốc đều ghi nhận doanh thu giảm hai chữ số, riêng Mỹ - thị trường quan trọng nhất - giảm mạnh 56% về hơn 700 tỷ đồng. Trong khi đó, thị trường châu Âu vẫn tăng trưởng khoảng 22%.
Với vị thế dẫn đầu ngành cá tra, sự khó khăn của Vĩnh Hoàn phản ánh rõ nét tình trạng chung của ngành thủy sản những tháng đầu năm. Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ngành này đang đối diện với nhiều khó khăn khi lạm phát toàn cầu tăng, cầu giảm tác động xấu đến sản xuất trong nước. Đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp giảm 20-50%, tồn kho tăng.
Số liệu mới đây của Tổng cục Hải quan cũng chỉ ra, kim ngạch xuất khẩu thủy sản quý I giảm 28% so với cùng kỳ 2022, về khoảng 1,8 tỷ USD. Trong đó, các nhóm thủy sản chủ lực như cá tra, tôm, cá ngừ giảm 30-37%; cua ghẹ và các loại hải sản khác sụt 2-42%. Trong số thị trường xuất khẩu chính, Mỹ ghi nhận mức giảm nhiều nhất, trên 50%, tiếp đến là Australia. Trung Quốc mở cửa trở lại nhưng thủy sản Việt sang thị trường này vẫn thấp hơn 23% so với năm ngoái.
VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam tiếp tục khó khăn thời gian tới. Đà hồi phục có thể bắt đầu từ quý III nếu có các chính sách hỗ trợ về miễn giảm nộp thuế, gia hạn nợ hoặc giảm lãi vay.
Không chỉ kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh bị giảm sút, hoạt động đầu tư chứng khoán của Vĩnh Hoàn cũng cho thấy kết quả kém khả quan. Đến cuối quý I, công ty này nắm giữ gần 179 tỷ đồng, trong đó có ba mã cổ phiếu bất động sản gồm NLG của Nam Long, DXS của Đất Xanh Service và KBC của Kinh Bắc. Hiện tất cả khoản đầu tư đều phải trích lập dự phòng giảm giá tổng cộng gần 84 tỷ đồng.
Như vậy, Vĩnh Hoàn đang lỗ hơn một nửa trong chứng khoán. Khoản lỗ nặng nhất là ở mã DXS khi công ty có vốn hơn 57 tỷ đồng nhưng đang dự phòng giảm giá gần 39 tỷ đồng, tức lỗ 68%. Mã NLG cũng khiến doanh nghiệp này chịu lỗ gần 42% giá trị đầu tư.
Tất Đạt