Theo báo cáo gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Tài chính, Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết doanh thu 6 tháng đạt khoảng 2.224 tỷ đồng, tăng hơn 35% so với nửa đầu năm trước.
Trong nhóm các khoản phải chi định kỳ, chi phí tài chính sụt khoảng phân nửa về quanh 11,7 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng giảm nhẹ gần 3%. Riêng chi phí bán hàng nhích thêm 18% lên hơn 93,6 tỷ đồng.
Tổng lại, Nhà xuất bản Giáo dục ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 354,8 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ. Trừ năm 2022, mức lãi bán niên này đang cao hơn lợi nhuận của tất cả niên độ trước đó trong lịch sử hoạt động doanh nghiệp.
Tổng tài sản tính đến cuối tháng 6 của công ty đạt hơn 2.460 tỷ đồng, giảm hơn 14%, chủ yếu do hạ hàng tồn kho. Công ty đang có hơn 184 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương, tích lũy thêm 84% so với cùng kỳ năm trước.
Nợ phải trả ghi nhận hơn 1.127 tỷ đồng, giảm hơn 31%. Riêng nợ ngắn hạn đã giảm hơn một phần ba. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cũng hạ từ 1,34 lần vào tháng 6/2023 về còn 0,85 lần cho kỳ này.
Trong nhiều thập kỷ qua, doanh nghiệp này độc quyền xuất bản sách giáo khoa cho học sinh. Cuối năm 2022, Thanh tra Chính phủ xác định Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, độc quyền để đăng ký giá sách giáo khoa "cao bất hợp lý".
Theo quy định tại Luật Giá năm 2012, sách giáo khoa không thuộc danh mục mặt hàng Nhà nước định giá, mà doanh nghiệp kê khai với Bộ Tài chính. Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá việc này có thể dẫn đến hiện tượng giá cao, thấp khác nhau. Trong khi đó, sách giáo khoa thuộc nhóm vật tư giáo dục thiết yếu của học sinh; ảnh hưởng đến an sinh xã hội, đặc biệt là người dân vùng khó khăn.
Năm học này, nhà xuất bản đã giảm giá sách tái bản (trừ lớp 5, 9 và 12). Giá bìa các bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống" sẽ giảm 9,6%, còn bộ "Chân trời sáng tạo" hạ 11,2%. Đây là các bộ sách giáo khoa do nhà xuất bản này biên soạn, in ấn và phát hành. Với sách lớp 5, 9 và 12 xuất bản lần đầu, giá bán được xây dựng dựa trên mức giảm của sách tái bản.
Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có vốn điều lệ 596 tỷ đồng, hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100%. Theo quy định, đơn vị này phải công bố thông tin định kỳ gồm báo cáo tài chính bán niên và cả năm, chế độ lương thưởng. Tuy nhiên, họ nhiều lần trễ hạn, thậm chí không công bố thông tin định kỳ về chiến lược phát triển, kế hoạch đầu tư, báo cáo tài chính.
Tất Đạt