Theo báo cáo tài chính năm 2020, hầu hết doanh nghiệp trong hệ sinh thái ngành hàng không đều giảm so với cùng kỳ. Tuy nhiên, so với mức đáy đầu năm khi dịch mới bùng phát, sự vận động của nhóm này đang theo chiều hướng "chữ K", với mức độ giảm có sự phân hóa và không đồng đều giữa các lĩnh vực.
Ở nhóm tiêu cực, được gọi là nhánh dưới của chữ K, là những doanh nghiệp cung cấp suất ăn hàng không, dịch vụ bán hàng miễn thuế.
Công ty Suất ăn hàng không Nội Bài (NCS) chuyên chế biến suất ăn phục vụ hành khách các hãng hàng không, chuyến bay chuyên cơ tại sân bay Nội Bài. Năm 2020, NCS chỉ đạt doanh thu hơn 254 tỷ, chịu lỗ từ hoạt động kinh doanh chính khi bán hàng dưới giá vốn và lỗ ròng cả năm gần 52 tỷ đồng. Trước đó, năm 2019, doanh nghiệp này đạt doanh thu hơn 647 tỷ, lãi ròng hơn 33 tỷ đồng.
"Năm 2020, đại dịch Covid-19 đã lan ra nhiều quốc gia và tác động tiêu cực đối với kinh tế xã hội toàn cầu và Việt Nam. Do vậy, sản xuất kinh doanh của Công ty bị ảnh hưởng trực tiếp do các hãng hàng không cắt, hủy các chuyến bay đi và đến sân bay Nội Bài", giải trình của NCS viết.
Covid-19 cũng là lý do chính giải thích cho kết quả kinh doanh sụt giảm của Công ty Dịch vụ hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SAS), Công ty Dịch vụ Hàng không Taseco (AST), Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng (MAS) và Công ty Dịch vụ Sân bay Quốc tế Cam Ranh (CIA).
Doanh thu của doanh nghiệp kinh doanh bán hàng miễn thuế, phòng chờ thương gia, dịch vụ vận chuyển và cung cấp suất ăn hàng không tại Sân bay Tân Sơn Nhất giảm 70%, còn hơn 900 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế có phần tích cực hơn NCS khi đạt hơn 149 tỷ, nhưng vẫn giảm quá nửa so với năm 2019.
Với AST, doanh nghiệp quản lý 92 điểm kinh doanh dịch vụ phi hàng không tại các sân bay trên toàn quốc ghi nhận doanh thu và lợi nhuận giảm 51% và 84% so với 2019.
Tương tự, MAS báo lỗ 11 tỷ đồng trong năm nay, so với lợi nhuận hơn 15 tỷ đồng năm 2019. CIA báo lỗ ròng quý IV hơn 19 tỷ đồng, nâng mức lỗ cả năm lên hơn 45 tỷ đồng.
Tuy nhiên, không phải toàn bộ hệ sinh thái hàng không đều tiêu cực trong cả năm 2020. Sau nhịp giảm đầu năm chung toàn ngành, những doanh nghiệp logistics hàng không có phần tích cực hơn trong nửa cuối năm khi nhu cầu vận chuyển hàng hóa không bị gián đoạn như vận chuyển hành khách.
Công ty Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCS) kinh doanh chính là cung cấp dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng không, kho bãi và bốc xếp hàng hóa. Quý IV, doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp này tương đương cùng kỳ năm 2019, kết quả có thể xem là tích cực nhất trong nhóm các doanh nghiệp hàng không.
Tính chung cả năm 2020, SCS đạt gần 700 tỷ đồng doanh thu và 500 tỷ lợi nhuận trước thuế, giảm chưa tới 10% so với năm 2019.
Tương tự SCS, hoạt động của Công ty Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (NCT) cũng phục hồi trong những tháng cuối năm. Quý IV, doanh thu và lợi nhuận của NCT còn cao hơn năm 2019. Kết quả là doanh thu và lợi nhuận cả năm chỉ giảm nhẹ so với cùng kỳ.
Trong báo cáo đầu năm nay, SSI nhận định, triển vọng ngành hàng không năm 2021 ảm đạm khi biến thể của chủng Covid-19 mới nhất ở Anh cùng với sự bùng phát trở lại ở các quốc gia. Tuy nhiên, hàng không có thể phục hồi vào nửa cuối năm 2021 khi các vaccine được phê duyệt.
"Chúng tôi cho rằng triển vọng của ngành chắc chắn sẽ được cải thiện khi vaccine được sử dụng trên quy mô lớn. Điều này có thể chỉ xảy ra từ nửa cuối năm 2021", nhóm phân tích của SSI nhận định.
Nhóm phân tích này cho rằng, thị trường nội địa nhiều khả năng sẽ vẫn là trọng tâm của các hãng hàng không trong năm 2021, do các chuyến bay quốc tế chỉ có thể được hoạt động từ nửa cuối năm. Thị trường quốc tế sẽ phục hồi thực sự từ năm 2022.
Minh Sơn