Tại cuộc họp của Thủ tướng với lãnh đạo các bộ mới đây, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết các ngân hàng thương mại quốc doanh sẽ phải đi đầu trong việc hỗ trợ giảm lãi suất. Do đó, lợi nhuận của họ ảnh hưởng ít nhất 40%. Ông ví dụ: "Vietcombank năm nay phải giảm 30-40% mức lãi 22.000 tỷ đồng để đóng góp ít nhất khoảng 8.000 tỷ đồng cho vấn đề hạ lãi suất".
Theo tài liệu phiên họp thường niên năm 2020 mới công bố, Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng bỏ ngỏ kế hoạch lợi nhuận năm nay và cho biết lãi sẽ "bảo đảm và cải thiện hoạt động kinh doanh, bám sát diễn biến và tác động của Covid-19".
Trước đó, từ tháng 2, Chính phủ đã công bố gói tín dụng 285.000 tỷ hỗ trợ doanh nghiệp. Các nhà băng đã đăng ký cung ứng số vốn từ vài nghìn đến hàng trăm nghìn tỷ đồng, lãi suất thấp hơn 0,5-2,5% so với thông thường cho những khách hàng bị ảnh hưởng.
Bước đầu, các ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ 52.000 khách hàng với số tiền gần 18.000 tỷ đồng; miễn, giảm lãi cho gần 6.500 khách hàng với dư nợ gần 126.000 tỷ đồng và cho vay mới hơn 65.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, không dễ để tiếp cận dòng vốn này. Nhiều chủ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 cho biết khó chứng minh được dòng tiền trong tương lai, không có nguồn bổ sung thêm tài sản đảm bảo để đáp ứng quy định các khoản tín dụng.
Từ phía ngân hàng, lãnh đạo một số nhà băng cho biết họ tham gia gói hỗ trợ nhưng cũng chịu sự kiểm soát. Họ sẵn sàng chấp nhận giảm lợi nhuận, nhưng phải đảm bảo các tiêu chuẩn về rủi ro trong hoạt động tín dụng. "Ngân hàng có thể cho vay mới các doanh nghiệp khó khăn tạm thời nhưng nếu bơm thêm tiền cho doanh nghiệp có sức chống chịu kém, chính ngân hàng là bên chịu toàn bộ rủi ro", Phó giám đốc quản trị rủi ro một ngân hàng quốc doanh nói.
Minh Sơn