Kết thúc năm 2021, tổng tài sản của VPBank đạt gần 548.000 tỷ đồng, tăng 30,7% so với năm 2020. Dư nợ cấp tín dụng hợp nhất đạt hơn 384.000 tỷ đồng, tăng 18,9%. Tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá tăng 9,1% so với năm 2020 và đạt hơn 323.000 tỷ đồng. Tổng thu nhập hoạt động đạt hơn 44.301 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước.
Chi phí hoạt động của nhà băng này trong năm 2021 giảm xấp xỉ 6% so với một năm trước. Chỉ số CIR giảm từ 29,2% cuối năm 2020 xuống 24,2% cuối năm 2021. Năm 2020 để thu về 100 đồng lợi nhuận, VPBank phải chi ra 29,2 đồng, nhưng sang năm 2021 số tiền phải chi ra chỉ còn 24,2 đồng.
Công tác quản trị rủi ro cũng được kiểm soát. Ngân hàng đã giảm tỷ trọng cho vay tín chấp và thúc đẩy tích cực xử lý nợ. Các hoạt động này giúp kiểm soát tỷ lệ nợ xấu hợp nhất ở mức 3,58% và tỷ lệ nợ xấu ngân hàng riêng lẻ chỉ ở mức 1,51%, tính theo Thông tư 11 của Ngân hàng Nhà nước. Thu nhập từ nợ đã xử lý rủi ro hợp nhất trong cả năm qua đạt hơn 3.200 tỷ, tăng 54,5% so với 2020.
Theo đại diện VPBank, sự tăng trưởng về tổng tài sản, dư nợ cấp tín dụng và tổng thu nhập, trong bối cảnh nhiều hoạt động kinh tế bị đình trệ kéo dài trong thời gian giãn cách xã hội, cho thấy khả năng ứng biến, thích nghi của ngân hàng.
Kết quả này còn đến từ chiến lược số hóa toàn diện, liên tục đưa ra thị trường các giải pháp công nghệ giúp nâng cao trải nghiệm khách hàng. Điển hình là các thương hiệu và các nền tảng giao dịch như VPBank Prime, VPBank NEO, Race Car, Race Home, VPBank NEO Express và VPBank NEOBiz. Bên cạnh đó, hàng loạt những ứng dụng công nghệ cũng được triển khai trong hoạt động dịch vụ chăm sóc khách hàng, mở tài khoản và thanh toán từ xa.
Các sản phẩm, dịch vụ mới dựa trên nền tảng số hóa đã nâng cao năng lực cạnh tranh của VPBank, giảm chi phí hoạt động và nâng cao năng lực tiếp cận và cung cấp dịch vụ không tiếp xúc cho khách hàng. Nhờ vậy, tăng trưởng tín dụng ngân hàng đạt tới 20,2% trong năm qua. Các phân khúc chiến lược gồm khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng trưởng tới 33%. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng riêng lẻ đạt hơn 3.650 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 19% so với cùng kỳ, góp phần giảm sự phụ thuộc của ngân hàng vào nguồn thu từ lãi.
Lợi thế từ hoạt động số hóa cũng giúp VPBank tạo ra được sự bứt phá trong thu hút lượng tiền gửi không kỳ hạn (CASA). Tỷ trọng CASA chiếm tới 23% tổng huy động của toàn ngân hàng. Đây là một trong những yếu tố hỗ trợ ngân hàng giảm chi phí vốn và tăng trưởng hiệu quả.
Một trong những hoạt động quan trọng được VPBank hoàn thành trong năm 2021 là chuyển nhượng 50% cổ phần từ FE Credit cho tập đoàn SMBC của Nhật Bản và một đối tác trong nước. Thương vụ chuyển nhượng lớn nhất trong lịch sử lĩnh vực tài chính Việt Nam này đã mang về cho VPBank lượng vốn đáng kể, 20.352 tỷ đồng, giúp ngân hàng tăng vốn chủ sở hữu lên gần 86.500 tỷ đồng, qua đó, cải thiện độ an toàn vốn và củng cố nền tảng cho nhà băng này. Hệ số an toàn vốn theo chuẩn Basel II của VPBank đạt hơn 14,2%, cao hơn nhiều so với mức 11,7% năm 2020.
"Lượng vốn lớn giúp VPBank củng cố năng lực tài chính, đảm bảo tốt các chỉ tiêu an toàn hoạt động và có một nền tảng vững chắc để mở rộng các cơ hội kinh doanh ở những phân khúc chiến lược trong năm 2022", đại diện VPBank khẳng định.
Bên cạnh đó, với hệ sinh thái được phát triển rộng rãi trên nền tảng số, cùng việc triển khai thành công nhiều hoạt động và dịch vụ chăm sóc kết nối khách hàng, cho vay qua các kênh số hóa, VPBank đã định hình chiến lược và củng cố các nền tảng công nghệ để bứt phá trong năm 2022.
Năm 2021, ngân hàng cũng tích cực hỗ trợ khách hàng gặp khó do đại dịch. Ước tính, VPBank đã giảm gần 1.000 tỷ đồng lãi suất cho hơn 275.000 khách hàng. Bên cạnh đó, ngân hàng dành ra hơn 500 tỷ đồng ủng hộ cho các hoạt động phòng chống Covid-19 của Chính phủ, đồng thời, tăng dự phòng rủi ro do ảnh hưởng từ dịch bệnh đối với một số phân khúc khách hàng.
An Nhiên