Theo báo cáo tài chính hợp nhất Tổng công ty cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Hà Nội (Habeco) vừa công bố, đơn vị này ghi nhận 98,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong 3 tháng đầu năm 2017, tăng hơn 70% so với cùng kỳ 2016. Tuy nhiên, động lực tăng trưởng không đến từ hoạt động kinh doanh chính mà chủ yếu nhờ khoản lợi nhuận khác tăng đột biến.
Trong quý I, Habeco thu về gần 43 tỷ đồng thu nhập khác, gấp hơn 3 lần cùng kỳ. Trong đó, thu từ bán vỏ chai, két bia gần 31 tỷ đồng, cùng kỳ ghi nhận chưa tới 400 triệu đồng.
Việc các doanh nghiệp thu tiền tỷ từ các phế phẩm trong quá trình sản xuất thực tế cũng không phải chuyện hiếm. Những năm trước khi còn tách bạch khoản tiền bán phế liệu thu được, Khóa Việt Tiệp mỗi năm đều đặn ghi nhận từ 15 đến 20 tỷ đồng vào thu nhập khác. Riêng khoản lợi nhuận này cũng tương đương một phần ba tổng lãi hằng năm.
Doanh thu của Habeco trong 3 tháng đầu năm đạt hơn 1.275 tỷ đồng, chỉ tăng gần 5 tỷ đồng so với cùng kỳ. Mặc dù vậy, lợi nhuận gộp vẫn tăng hơn 24% nhờ chi phí giá vốn giảm.
Trong số những khoản chi phí, tiền cho quảng cáo, khuyến mãi và hỗ trợ của Habeco tăng mạnh nhất, đạt gần 82 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ ghi nhận chưa tới một nửa. Trước đó năm 2016, khoản chi này của Habeco cũng tăng mạnh lên gần 500 tỷ đồng.
Việc đẩy mạnh chi cho quảng cáo của Habeco cũng không phải không có căn cứ khi thị phần của đơn vị này được đánh giá đang giảm mạnh, dưới sức ép từ những đối thủ. Theo báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC), thị phần của Habeco đã giảm liên tục trong 6 năm gần đây, từ mức gần 20% năm 2010 xuống còn 18%.
Nguyên nhân là thị trường phân khúc bia giá rẻ, vốn là thế mạnh của Habeco đang thu hẹp, trong khi tại phân khúc cao cấp Habeco lép vế hoàn toàn so với các đối thủ như Sabeco hay Heineken. Quy mô thị trường của phân khúc bia giá rẻ đã giảm xuống 8% tổng thị trường so với mức 14% của năm 2011.
Minh Sơn