Báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng 2022 của Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank) ghi nhận mức lãi trước thuế hơn 1.900 tỷ đồng, gấp 3,4 lần cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành hơn 75% kế hoạch cả năm.
Đây là lần đầu tiên Eximbank tạo ra được con số lợi nhuận nghìn tỷ chỉ trong 2 quý đầu năm, kể từ 2013 tới nay. Trong gần chục năm nay khi các ngân hàng bạn cùng quy mô bứt phá thì lợi nhuận của Eximbank chỉ quanh quẩn mức 1.000 tỷ mỗi năm.
Kết quả kinh doanh khởi sắc trong nửa đầu 2022 bước đầu khẳng định cho lời hứa "đưa Eximbank trở lại quỹ đạo sau nhiều năm tụt hậu quá sâu" của bà Lương Thị Cẩm Tú, Chủ tịch Eximbank.
Sau nhiều năm lục đục ở dàn nhân sự cấp thượng tầng, 2022 là năm đầu tiên nhà băng này tổ chức đại hội cổ đông thành công và dàn xếp được bộ máy hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới.
Bộ máy mới đại diện cho các nhóm cổ đông khác nhau nhưng theo bà Cẩm Tú, "cùng mục tiêu đưa Eximbank lấy lại vị thế top 10". Tại đại hội cổ đông cuối tháng 5, lãnh đạo ngân hàng bày tỏ tự tin thực hiện được mục tiêu lợi nhuận cả năm 2.500 tỷ dù nhiều cổ đông vẫn hoài nghi.
Trong bối cảnh ngành ngân hàng có nhiều thay đổi, như siết trái phiếu doanh nghiệp, hạn chế tín dụng bất động sản và mặt bằng lãi suất đi lên, lãnh đạo Eximbank tự tin với lợi nhuận 2022 nhờ vào việc cơ cấu lại nguồn vốn, thu hồi được nợ xấu và đẩy mạnh nguồn thu khác ngoài tín dụng.
Hiện tại, Eximbank vẫn đang cách xa vị thế top 10 lợi nhuận và nhà băng này vẫn sẽ phải bứt tốc trong nhiều kỳ kinh doanh tiếp theo để hiện thực hoá mục tiêu của mình.
Nhìn vào kết quả kinh doanh nửa đầu 2022, động lực chính tạo ra mức lợi nhuận của Eximbank là nhờ tăng trưởng hoạt động tín dụng, kinh doanh ngoại hối và thu hồi nợ xấu.
Luỹ kế 6 tháng, thu nhập lãi thuần của ngân hàng tăng gần 50% so với cùng kỳ lên 2.660 tỷ đồng, lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 38% lên 270 tỷ, đầu tư chứng khoán lãi 133 tỷ trong khi cùng kỳ chỉ lãi 30 tỷ đồng. Lãi khác thường đến từ thu hồi nợ đã xử lý đạt gần 400 tỷ, gấp 4 lần so với cùng kỳ.
Chỉ có hoạt động dịch vụ của Eximbank trong nửa đầu năm tăng trưởng khiêm tốn hơn, ghi nhận mức lãi ngang ngửa với cùng kỳ năm ngoái, ở mức 220 tỷ đồng.
Trong nửa đầu năm, chi phí hoạt động của nhà băng tăng 11% lên gần 1.500 tỷ, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 35% xuống 290 tỷ. Kết quả, Eximbank ghi nhận mức lợi nhuận kỷ lục 1.903 tỷ đồng trong khi cùng kỳ con số này chỉ hơn 550 tỷ.
Tính đến hết tháng 6, dư nợ cho vay khách hàng của nhà băng này tăng 8,6% so với đầu năm còn số dư tiền gửi tăng nhẹ 3%. Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,96% hồi đầu năm xuống còn 1,88%, chủ yếu do giảm dư nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ.
Cùng với kết quả kinh doanh tích cực, năm nay Eximbank cũng lần đầu chia cổ tức cho cổ đông sau 8 năm. Cách đây hơn một tháng, nhà băng này thông qua nghị quyết chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20% từ lợi nhuận sau thuế 2017-2021.
Ngân hàng kế hoạch phát hành thêm hơn 245,8 triệu cổ phiếu, tăng vốn điều lệ lên hơn 14.810 tỷ đồng - là lần đầu tiên sau chục năm nhà băng này tăng được vốn điều lệ.
Quỳnh Trang