Thông tin trên được công bố trong báo cáo tài chính hợp nhất của Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD) quý I năm tài chính 2024, tương ứng quý III/2023 thông thường. Doanh nghiệp này vừa đổi năm tài chính, bắt đầu từ tháng 7 năm trước và kết thúc vào tháng 6 năm sau.
Lợi nhuận sau thuế trong kỳ đạt gần 67 tỷ đồng, trong khi CTD từng lỗ 3,5 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận của công ty này cải thiện năm quý liên tiếp, đến nay đã đạt mức lãi cao nhất kể từ quý IV/2020.
Lãi sau thuế tăng mạnh nhờ cải thiện được doanh thu và lợi nhuận gộp. Trong kỳ, Coteccons có hơn 4.100 tỷ đồng doanh thu, tăng gần 33%. Lợi nhuận gộp tăng gấp 3 lần lên hơn 100 tỷ đồng, nâng biên lãi gộp lên 2,43%. Ban lãnh đạo cho biết thêm, chính sách trích lập dự phòng các dự án rủi ro mà CTD thực hiện những năm trước đã giảm nhẹ ảnh hưởng của những tác động về chi phí nhân công, nguyên vật liệu xây dựng và các yếu tố vĩ mô lên chi phí giá vốn trong kỳ.
Sau quý I niên độ tài chính 2024, công ty hoàn thành gần một phần tư kế hoạch cả năm. CTD đề mục tiêu có gần 17.800 tỷ đồng doanh thu và 274 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Tuy kế hoạch trên tăng mạnh so với niên độ 2023, nhưng ban lãnh đạo doanh nghiệp này nói được đưa ra theo hướng thận trọng.
Nhìn chung, kết quả kinh doanh của Coteccons ngược chiều xu hướng chung của ngành xây dựng. Trong thời gian dài, nhiều doanh nghiệp rơi vào thế gọng kìm: không có hợp đồng mới và khó đòi nợ cũ do thị trường bất động sản đóng băng, chi phí nguyên vật liệu tăng cao làm đội giá vốn.
Trong phiên họp thường niên hồi giữa tháng 10, Chủ tịch Bolat Duisenov cho rằng thị trường xây dựng chưa khởi sắc nhiều khi kinh tế vĩ mô chưa cải thiện đáng kể và bất động sản còn gặp khó, ngay cả ở các thành phố lớn. Tuy nhiên ông nhận thấy tín hiệu khả quan là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng, các dự án xây dựng lớn về công nghiệp cũng đã được khởi công.
Coteccons cũng có nợ khó đòi khi phải trích dự phòng tổng cộng gần 1.200 tỷ đồng phải thu ngắn hạn khó đòi, tương đương gần 10% tổng các khoản phải thu ngắn hạn. Bên cạnh đó, công ty có dự nợ vay tài chính không thay đổi đáng kể, trong khi tổng nợ phải trả giảm 7% về hơn 12.200 tỷ đồng.
Về tài sản, Coteccons tiếp tục là một trong những doanh nghiệp có lượng tiền nhàn rỗi dồi dào. Tính đến cuối tháng 9, tiền và tương đương tiền tăng 18% lên gần 2.225 tỷ đồng. Nhờ lãi suất tiền gửi mà công ty ghi nhận hơn 101 tỷ đồng doanh thu hoạt động tài chính, tăng 22%. Ngoài ra, công ty có gần 1.854 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn. Trong đó, đầu tư chứng khoán khoảng 237 tỷ đồng và tạm dự phòng cho khoản lỗ hơn 15 tỷ.
Thời gian trước, Coteccons dẫn đầu Liên danh Hoa Lư tham gia đấu thầu gói thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai), trị giá 35.000 tỷ đồng. Ông Bolat Duisenov nói dù rất buồn khi trượt nhưng gói thầu này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong kế hoạch kinh doanh của công ty nên không ảnh hưởng tương lai.
Sau thất bại trên, Coteccons vẫn muốn mở rộng sang xây dựng hạ tầng vì cho rằng lĩnh vực này nhiều tiềm năng và còn nhiều cơ hội cho công ty có thể nắm thị phần lớn. Ngoài ra, công ty cũng lên kế hoạch mở rộng thêm mảng xây dựng nhà ở xã hội và năng lượng tái tạo. Song song đó, CTD cũng đang chuẩn bị tấn công thị trường nước ngoài.
Tất Đạt