Công ty cổ phần Hóa - Dược phẩm Mekophar (MKP) ghi nhận doanh thu đạt hơn 617 tỷ đồng, tăng gần 19%. Cơ cấu doanh thu chuyển dịch mạnh, doanh thu bán thành phẩm tăng đến hơn 83%, đóng góp hơn 80% cho toàn công ty. Cùng kỳ, mảng thành phẩm góp hơn một nửa, phần doanh thu lớn còn lại của Mekophar còn phụ thuộc vào bán hàng hóa.
MKP đang hướng mạnh vào mô hình tự sản xuất sản phẩm thay vì nhập hàng hóa về bán ra. Nhóm thành phẩm có biên lợi nhuận gộp cao hơn hẳn. Trong khi bán hàng hóa chỉ lãi khoảng 1% trên doanh thu, có giai đoạn gặp lỗ, các sản phẩm tự sản xuất mang về cho Mekophar biên lợi nhuận cao hơn hàng chục lần. Riêng 6 tháng đầu năm nay, biên lợi nhuận gộp của mảng thành phẩm đạt hơn 34%, tăng lên đáng kể so với mức 27,7% cùng kỳ.
Nhờ cắt giảm mảng bán hàng hóa, biên lợi nhuận gộp của công ty được cải thiện từ mức 20% của cùng kỳ lên gần 32%. Trong nửa đầu năm, Mekophar lãi sau thuế hơn 23 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với 6 tháng 2021. Đây là mức lợi nhuận bán niên lớn nhất từ năm 2020 đến nay.
Tuy nhiên kết quả kinh doanh khả quan phần lớn nhờ đóng góp từ quý đầu năm. Trong quý II/2022, doanh thu của Mekophar giảm đến 26%, chủ yếu do doanh thu bán hàng hóa giảm mạnh, mảng thành phẩm tăng lên nhưng chưa thể bù đắp. So với quý đầu năm, sự chuyển dịch doanh thu đang diễn ra mạnh hơn khi công ty gần như đóng băng hoạt động bán hàng hóa, doanh thu mảng này chỉ khoảng 2 triệu đồng.
Cùng với đó chi phí tài chính kỳ này tăng mạnh do chênh lệch tỷ giá khi đổi ngoại tệ. Cộng thêm khoản chi phí kiểm kê thiếu hơn 2 tỷ đồng, lợi nhuận quý II của MKP giảm gần hai phần ba về còn hơn 760 triệu đồng.
Giữa tháng 2, Bộ Y tế cấp phép cho Mekophar lưu hành Movinavir hàm lượng 200 mg, thuốc điều trị Covid-19. Đây được xem là tín hiệu khả quan sau nhiều năm doanh nghiệp bắt đầu giảm phong độ. Giai đoạn 2016-2021, doanh thu thuần luôn đạt trên 1.100 tỷ đồng, tuy nhiên không đạt tốc độ tăng trưởng ổn định qua từng năm. Về lợi nhuận, sau khi đạt kỷ lục lãi 120 tỷ đồng vào năm 2016, lãi sau thuế doanh nghiệp giảm đều qua từng năm.
Báo cáo thường niên những năm gần đây chỉ ra nhiều điểm khó trong hoạt động sản xuất và kinh doanh của Mekophar. Về xuất khẩu, sức mua nhiều khách hàng truyền thống của Mekophar giảm mạnh vì chịu cạnh tranh thuốc từ Trung Quốc và Ấn Độ. Về nhập khẩu, một số quy định mới từ cơ quan quản lý ảnh hưởng lớn đến nhập khẩu nguyên liệu.
Chưa kể, bản thân Mekophar nhiều lần đề cập với các cổ đông về khó khăn trong vấn đề đấu thầu thuốc vào các bệnh viện khi các mặt hàng chiến lược số đều không trúng thầu do giá cao hơn giá thầu. Riêng năm 2018, doanh nghiệp này hầu như tham gia thầu rất ít (5-7%), chủ yếu là thị trường ngoài bệnh viện nhưng cũng phải cạnh tranh nhiều về giá.
Nhiều năm qua, MKP gần như là cổ phiếu ít được thị trường quan tâm. Sau thông tin được cấp phép khẩn cấp thuốc điều trị Covid-19, thị giá cổ phiếu này tăng trần liên tiếp. Cuối tháng 2, MKP đạt đỉnh 70.500 đồng một đơn vị, tăng hơn 70% so với hồi đầu năm. Ngay sau đó, thị giá nhanh chóng sụt giảm về vùng giá 45.000-50.000 đồng. Cơn rung lắc của thị trường vào giữa tháng 6 đã kéo thị giá cổ phiếu Mekophar về quanh 35.000 đồng một đơn vị cho đến nay.
Tất Đạt