Từ đầu tháng 7, vốn hóa thị trường chứng khoán Hong Kong đã mất hơn 600 tỷ USD. Giới phân tích dự báo lợi nhuận hoạt động của các công ty trong chỉ số Hang Seng năm nay giảm trung bình 19% - lớn nhất kể từ năm 2008.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc kéo dài và đồng nhân dân tệ yếu vốn đã ăn mòn đáng kể lợi nhuận của các doanh nghiệp này. Vì thế, cuộc biểu tình vài tháng qua tại đây càng khiến việc kinh doanh xuống dốc. Nhu cầu mọi sản phẩm, từ vay ngân hàng đến điện nước sinh hoạt đều bị đe dọa.
"Quý III có thể còn tệ hơn, do tình hình chính trị bất ổn và chiến tranh thương mại leo thang", Jackson Wong - Giám đốc quản lý tài sản tại Amber Hill Capital cho biết, "Rủi ro suy giảm vẫn chưa phản ánh hết trong giá cổ phiếu".
Người biểu tình tại đường Hardcourt (Hong Kong). Ảnh: Reuters |
Cổ phiếu Shangri-La Asia đã giảm 7,5% hôm nay, sau khi thông báo "các sự kiện chính trị" tại Hong Kong ảnh hưởng đến khách sạn của họ ở đây. Trong khi đó, nhân dân tệ yếu làm giảm doanh thu ở Trung Quốc. Hãng bay Cathay Pacific Airways cũng dự báo doanh thu tháng 8 "chịu tác động mạnh". Việc các nhân viên hãng này tham gia cuộc biểu tình tại Hong Kong đã khiến Bắc Kinh nổi giận.
Cổ phiếu Hong Kong and China Gas giảm 5,3% hôm qua, sau báo cáo kết quả kinh doanh gây thất vọng, cùng nhận định môi trường "đầy thách thức". Bất ổn chính trị tại Hong Kong có thể khiến doanh thu ngành khách sạn - nhà hàng đi xuống, khi người dân lựa chọn nấu ăn tại nhà thay vì ăn ngoái, các nhà phân tích tại Daiwa Securities Group đánh giá.
Thị trường bất động sản phản ánh rõ nhất mối đe dọa từ chiến tranh thương mại và bất ổn chính trị. Cổ phiếu CK Asset Holdings đã xuống thấp nhất 2,5 năm tuần trước. Công ty này cũng phải hoãn mở bán một dự án nhà ở cao cấp do biểu tình.
Cổ phiếu HSBC Holdings và BOC Hong Kong Holdings tháng này đều đã mất 9%, khi nhà đầu tư ngày càng lo ngại về nguy cơ dòng vốn rút khỏi Hong Kong.
Đồng nhân dân tệ yếu cũng là tin xấu với Hang Seng Index. Tính trung bình, 64% doanh thu của các công ty trong chỉ số này đến từ Trung Quốc, và 22% đến từ Hong Kong, theo Morgan Stanley. Tháng này, giá nhân dân tệ lần đầu vượt mốc 7 CNY đổi một USD và 2 tuần nay vẫn xoay quanh mốc này.
"Tôi không biết khi nào lợi nhuận sẽ tăng trở lại", Wong cho biết, "Nếu muốn việc đó xảy ra, ít nhất chính trị tại Hong Kong cũng phải ổn định và chiến tranh thương mại chấm dứt".
Hang Seng Index đã mất 13% kể từ đỉnh hồi tháng 4 và hiện là một trong các chỉ số có diễn biến tệ nhất thế giới.
Hà Thu (theo Bloomberg)