Rối loạn lo âu ảnh hưởng đến mọi khía cạnh cuộc sống từ học tập, công việc đến gia đình, bạn bè và đặc biệt là quan hệ tình cảm. Đó là điều mà Callie Theodore (Mỹ) hiểu rất rõ. "Thật khó khăn để yêu người bị lo âu", cô gái trẻ viết trên trang cá nhân. "Họ luôn nhạy cảm quá mức, tự xây dựng những kịch bản trong đầu để rồi dẫn đến tranh cãi mà vẫn muốn được an ủi".
May mắn, bạn trai Chris Briggs của Theodore luôn thông cảm với người yêu. Mới đây, Theodore chia sẻ đoạn tin nhắn của hai người, trong đó cô hỏi nửa kia: "Chúng ta có ổn không?". "Rất ổn, em yêu", Chris đáp lại bằng câu trả lời không thể hoàn hảo hơn.
Đối với Theodore, 4 từ đơn giản của bạn trai vô cùng ý nghĩa. Chúng cho thấy anh sẵn sàng và đủ khả năng hỗ trợ cô trong cơn khủng hoảng. Công khai câu chuyện của mình lên trang cá nhân, Theodore hy vọng những bệnh nhân mắc rối loạn lo âu khác cũng tìm được ai đó ở cạnh.
"Hãy tìm cho bản thân một người không khiến bạn cảm thấy yêu đương như một công việc. Một người không chê trách bạn phản ứng quá đà. Một người kéo bạn dậy mỗi lúc tuyệt vọng. Một người không bao giờ rời đi dù bạn có đẩy họ ra xa đến mức nào. Ở ngoài kia, nhất định có những người như thế tồn tại".
Nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng, bài viết của Theodore hiện nhận được 41.000 bình luận cùng 140.000 chia sẻ.
Theo Viện Tâm thần Quốc gia Mỹ, rối loạn lo âu không chỉ dẫn đến cảm giác lo lắng, sợ hãi mà còn tác động tiêu cực đến cuộc sống người bệnh. Dấu hiệu đặc trưng bao gồm mệt mỏi, bồn chồn, khó tập trung, khó chịu kéo dài. Phụ nữ nhút nhát dễ bị rối loạn lo âu.
Rối loạn lo âu chủ yếu được điều trị bằng liệu pháp nói chuyện và liệu pháp nhận thức hành vi. Bên cạnh sự can thiệp của chuyên gia, gia đình có thể giúp đỡ người nhà bị rối loạn lo âu bằng cách mở lòng chia sẻ, không đánh giá.
Minh Nguyên