Các nhà khảo cổ học phát hiện hũ gốm cùng với một đồng xu bên dưới sàn cửa hàng của thợ thủ công cổ đại ở quảng trường tại Athens, trong hũ có đầu và chân gà, Jessica Lamont, giáo sư tại Đại học Yale báo cáo trên tạp chí Hesperia. Vào thời kỳ đó, khoảng năm 300 trước Công nguyên, người thực hiện lời nguyền cũng đóng một chiếc đinh sắt lớn xuyên qua hũ.
Toàn bộ mặt ngoài của chiếc hũ được bao phủ bởi ký tự. Trên hũ có 55 cái tên, chỉ còn vài chục trong số đó còn sót lại dưới dạng những con chữ rải rác hoặc vết mờ, theo Lamont. Đinh sắt và xương gà nhiều khả năng đóng vai trò thực hiện lời nguyền. Đinh sắt thường xuất hiện kèm theo những lời nguyền cổ đại, nhằm ngăn chặn và khiến người bị nguyền rủa không thể nhúc nhích.
Con gà không lớn quá 7 tháng tuổi khi chết. Người tạo ra lời nguyền có thể muốn chuyển sự bất lực không thể tự vệ của con gà sang những người có tên khắc trên mặt hũ. Sự hiện diện của đầu và chân gà hé lộ người đứng phía sau lời nguyền muốn nạn nhân mất đi khả năng sử dụng bộ phận cơ thể tương tự.
Hũ gốm được đặt gần một số giàn thiêu đã cháy rụi chứa xác động vật, giúp tăng cường sức mạnh của lời nguyền. Kiểu chữ viết tay trên hũ hé lộ có ít nhất hai cá nhân viết tên những nạn nhân. Chắc chắn họ là người rất am hiểu về cách tiến hành lời nguyền hữu hiệu. Vị trí chôn hũ ở dưới tòa nhà mà thợ thủ công sử dụng cho thấy lời nguyền có thể bắt nguồn từ tranh chấp ở nơi làm việc.
Một khả năng khác là lời nguyền liên quan tới xung đột ở Athens khoảng 2.300 năm trước. Sau khi Alexander Đại đế chết vào năm 323 trước Công nguyên, đế chế của ông sụp đổ, các tướng lĩnh và quan binh tranh giành quyền lực. Sử sách cho biết một vài thế lực muốn giành quyền kiểm soát Athens vào thời kỳ đó.
Hũ gốm được khai quật vào năm 2006. Lomont phân tích và giải mã hũ gốm gần đây. Công tác khai quật diễn ra dưới sự chỉ đạo của Marcie Handler, nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Đại học Cincinnati.
An Khang (Theo Live Science)