Năm 2021-2022 là năm học đầu tiên học sinh lớp 2 và 6 học theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Theo các giáo viên của Hệ thống Giáo dục HOCMAI, bên cạnh sự thay đổi của học sinh và giáo viên trong phương pháp dạy và học, phụ huynh cũng nên có những thay đổi để thích nghi.
Chủ động, tiếp nhận nội dung đổi mới
Theo định hướng mới, thay vì chủ yếu truyền thụ kiến thức, lấy các đơn vị kiến thức làm trung tâm xây dựng bài học như trước đây, chương trình mới đặt trọng tâm ở việc hình thành phẩm chất, năng lực sáng tạo, tăng cường liên hệ, vận dụng kiến thức với thực tiễn, đề cao vai trò của người học theo sự tích cực, chủ động.
Với những đổi mới trong cách dạy và học, phụ huynh cần có tâm thế chủ động để tìm hiểu và tiếp nhận những thay đổi trong chương trình, từ đó có cách đồng hành, hỗ trợ con.
Thầy Nguyễn Phi Hùng, giáo viên Ngữ Văn tại HOCMAI, nhận định phụ huynh cần tìm hiểu các kiến thức, ngữ liệu, hoạt động mới đưa vào chương trình để lên kế hoạch tư vấn, hỗ trợ con. Bởi chương trình học hiện nay khác biệt rất nhiều so với thời của phụ huynh. Trẻ tiếp cận với chương trình mới sẽ không tránh khỏi những bỡ ngỡ, các em cần có thời gian để thích nghi và hòa nhập, do đó phụ huynh nên động viên và tạo cho trẻ tinh thần thoải mái nhất, giúp con tự học, khám phá,phát hiện kiến thức.
Để nắm bắt quá trình và tiến độ học tập của học sinh, phụ huynh nên tăng cường tương tác, trao đổi với giáo viên, cố vấn học tập của trẻ nhiều hơn, đồng thời cần dành thời gian tìm hiểu về triết lý, định hướng của chương trình và các bộ sách giáo khoa nhằm chủ động giúp con trong năm học đầu cấp.
Hiểu đúng cách kiểm tra, đánh giá năng lực mới
Trước đây, quy trình kiểm tra, đánh giá học sinh thường theo hướng tiếp cận nội dung truyền thống như các bài kiểm tra trên giấy, hỏi đáp kiến thức.... Tuy nhiên, với chương trình GDPT mới, các hình thức này đa dạng, linh hoạt hơn theo hướng tiếp cận năng lực, vẫn giữ các hoạt động kiểm tra cũ nhưng bổ sung, chú trọng thực hành, sản phẩm dự án cá nhân hoặc nhóm, thực hiện nhiệm vụ thực tiễn...
Chương trình tăng cường hợp tác, kết nối, quan tâm rèn luyện phương pháp học, hình thành các năng lực đặc thù của môn học cũng như các năng lực chung của chương trình giáo dục tổng thể. Thay vì chú trọng điểm số, chương trình mới chú trọng thái độ học tập và rèn luyện; quá trình và ý tưởng tạo ra các sản phẩm; liên hệ vận dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống.
Phụ huynh cần hiểu đúng cách kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của con theo chương trình mới, từ đó hướng con phát triển tối đa năng lực cá nhân, khuyến khích trẻ thể hiện, bộc lộ cá tính, năng lực và phẩm chất bản thân. Việc này cũng sẽ giúp các bậc cha mẹ giảm đi áp lực dạy con.
Theo cô Đỗ Gia Linh, giáo viên Ngữ Văn tại HOCMAI, trong những bài giảng của cô theo chương trình mới, kết quả và quá trình tiến bộ của học sinh được đánh giá qua từng kỹ năng, năng lực trong các hoạt động học tập do giáo viên thiết kế xây dựng, tổ chức. Với mục tiêu giúp học sinh hình thành, rèn luyện và phát triển các kỹ năng, năng lực tương ứng, mỗi phần hay bài, cô chỉ cung cấp một đơn vị, module kiến thức nhưng vẫn hiệu quả.
Để làm được điều này, học sinh cũng phải rèn luyện rất nhiều. Phụ huynh nên đồng hành, chia sẻ với con trong những hoạt động học tập. Song song, thầy cô cũng thiết kế, dẫn dắt, tổ chức các hoạt động. Từ đó, học sinh sẽ tự mình từng bước khám phá tri thức để hình thành và phát triển các phẩm chất, năng lực.
Tham gia xây dựng học liệu cùng con
Theo thầy Nguyễn Phi Hùng, để đồng hành cùng con trong chương trình mới, các bậc cha mẹ nên tham gia, khai thác học liệu trực tuyến để tham khảo và luyện tập. Các học liệu, nội dung và phương pháp dạy và học trong chương trình mới đều có sự đổi mới trên cơ sở giữ lại ưu điểm, loại bỏ hạn chế. Trong các bài giảng trực tuyến Học tốt 6 theo chương trình mới, giáo viên thiết kế, xây dựng theo đúng định hướng, triết lý, mục tiêu cần đạt. "Đây sẽ là nguồn tham khảo học liệu hữu ích cho phụ huynh và học sinh trong giai đoạn này", thầy Hùng khẳng định.
Với việc nắm bắt những lợi thế từ công nghệ, hệ thống các bài giảng, học liệu trực tuyến hiện nay đều sử dụng tư liệu, hình ảnh trực quan sinh động, giúp học sinh tăng hứng thú học tập và ghi nhớ kiến thức.
Bên cạnh tham gia xây dựng học liệu cùng con, qua các khóa học trực tuyến phụ huynh có thể trao đổi, thảo luận trực tiếp với giáo viên thông qua dịch vụ hỗ trợ hỏi đáp xuyên suốt khóa học. Qua đó, những vấn đề khúc mắc trong quá trình đồng hành cùng con theo chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ có hướng giải quyết.
Thiên Minh
Ảnh: HOCMAI