Trong chia sẻ gửi về mục Tư vấn pháp luật, chị Hoài Anh cho hay chuyển khoản giúp em gái 60 triệu đồng đến đối tác. Song do sơ suất, gõ sai số nên chuyển nhầm người.
Chị Hoài Anh liên lạc ngay với ngân hàng để báo nhầm lẫn này. Theo đó, ngân sẽ nhờ cơ quan điều tra can thiệp.
Chị Hoài Anh cho hay rất khó xử, một phần lo sợ để lâu sẽ mất tiền, nhưng cũng không muốn làm "lớn chuyện". Chị xác định, lỗi một phần là ở mình.
Tham gia thăm dò trên VnExpress, phần lớn độc giả (45%) khuyên chị Hoài Anh nên ngay lập tức báo công an, thay vì đợi vài ngày (30%), hay một tháng (19%), như ngân hàng kiến nghị.
Gợi ý cách giải quyết của độc giả Hồ Văn Thụ và Alex Nguyen nhận nhiều lượt yêu thích. Theo đó, hai độc giả này khuyên Hoài Anh thực hiện thêm một giao dịch với số tiền tượng trưng 10.000-50.000 đồng và ghi lời nhắn kèm thông tin liên hệ vào phần nội dung giao dịch. Nếu có thiện chí, người nhận sẽ có cách liên hệ.
Luật sư Phạm Thanh Bình (Công ty luật Bảo Ngọc, Hà Nội) viện dẫn: Thông tư 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 của Ngân hàng Nhà nước nêu chủ tài khoản có nghĩa vụ "hoàn trả hoặc phối hợp với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, hoàn trả các khoản tiền do sai sót, nhầm lẫn đã ghi có vào tài khoản thanh toán của mình".
Về phía chị Hoài Anh, ngân hàng đã tiếp nhận và xử lý yêu cầu khi chuyển khoản nhầm và yêu cầu đợi một tháng để xử lý. Trong thời gian này, gân hàng sẽ tra soát, kiểm tra giao dịch đã phát sinh trên.
Nếu xác nhận được thông tin giao dịch là nhầm lẫn, ngân hàng sẽ liên hệ với đại diện chi nhánh quản lý tài khoản mà người chuyển đã chuyển tiền nhầm và yêu cầu chuyển hoàn lại. Nếu người được chuyển nhầm không hợp tác, ngân hàng sẽ yêu cầu cơ quan điều tra giải quyết.
"Hoài Anh không thể lấy thông tin của bên bị chuyển khoản nhầm để thương lượng trực tiếp nên nếu muốn lấy lại tiền, chị phải nhờ đến sự can thiệp của cơ quan điều tra", luật sư Bình cho hay.
Điều 10 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 nêu: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm từ chối việc điều tra, phong tỏa, cầm giữ, trích chuyển tiền gửi của khách hàng, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng.
Như vậy, nếu người nhận đã rút hết tiền và cố ý không hoàn trả hoặc không còn khả năng hoàn trả, chị Hoài Anh hoàn toàn có thể gửi đơn tố cáo hành vi chiếm giữ trái phép tài sản tới cơ quan công an để giải quyết theo quy định của pháp luật.
Do số tiền bị chiếm giữ là 60 triệu đồng, nếu người nhận cố tình không trả lại tiền có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 176 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội Chiếm giữ trái phép tài sản. Mức phạt cho tội này 10- 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Hải Thư