![]() |
Ảnh: Pro.corbis.com. |
Khi đọc những lời phê bình về kết quả học kỳ 1 trong sổ liên lạc của bé Ngọc, chị Huyền vô cùng tức giận. Ngay hôm sau, chị đến trường gặp cô hiệu trưởng và phê bình giáo viên chủ nhiệm của con mình: "Con gái tôi trước đây học giỏi đều các môn. Thế nhưng, không hiểu sao từ ngày học với giáo viên này, bé thường bị điểm thấp, ít nói cười khi về nhà".
Sau khi mời giáo viên chủ nhiệm đến hỏi tình hình học tập gần đây của bé Ngọc, cô hiệu trưởng mới hiểu mọi chuyện.
Bé Ngọc vốn có tư chất thông minh và trí nhớ tốt. Ở nhà, Ngọc thường được bố mẹ khen ngợi vì cô bé hát hay và có giọng kể chuyện thật diễn cảm. Khi đi học, Ngọc thường xuyên được cô giáo tuyên dương vì khả năng tiếp thu nhanh và hoàn tất các bài tập về nhà tốt. Tuy nhiên, trong số các bài tập này, có đến 90% nhờ sự "trợ giúp" của mẹ nên bé thường xuyên đạt điểm cao.
Đi đâu, gặp ai, bố mẹ Ngọc cũng khoe tài năng của con. Luôn sống trên thảm đỏ nên cô bé cảm thấy rất hài lòng và tự mãn. Đến khi lên lớp 3, giáo viên chủ nhiệm mới là người nghiêm khắc và khá kiệm lời. Ngọc cảm thấy không hài lòng khi chẳng được nghe những lời khen từ cô giáo nữa. Cô bé cảm thấy buồn chán khi đến lớp và không chịu tập trung nghe giảng. Từ đó, Ngọc trở nên lầm lì và xao lãng việc học.
Mặt trái của những lời khen sáo rỗng
Bố mẹ dành cho con những lời tán thưởng là để động viên trẻ cố gắng hoàn thiện mình. Thế nhưng, quá lạm dụng lời khen có thể khiến cho con bạn hoang tưởng về bản thân. Do đó, các phụ huynh hãy cẩn thận khi khen thưởng con. Tuyên dương lúc trẻ có hành động đúng mực chính là một động lực giúp trẻ ngày càng xuất sắc hơn. Những lời khen sáo rỗng, bừa bãi, không đúng với khả năng của trẻ sẽ khiến bé ngộ nhận về bản thân.
Ngoài ra, bậc phụ huynh nào cũng mong muốn con mình là số một nên thường áp đặt suy nghĩ của bản thân lên trẻ. Điều này có thể khiến chúng mất khả năng sáng tạo và không thể định hướng cho mình. Trường hợp của bé Thanh Tùng, học lớp 4 tại một trường tiểu học ở quận 3, TP HCM, là một ví dụ.
Theo lời kể của thày chủ nhiệm: "Bé Tùng học môn thể dục rất giỏi vì em có thể lực tốt". Trong đợt thi đấu bóng đá giao lưu với các trường khác, thày đã "chấm" Tùng là cầu thủ lý tưởng cho vị trí hậu vệ trong đội tuyển bóng đá của trường.
Thế nhưng, Tùng đã khiến thày thất vọng khi cậu bé nhất định không chịu tham gia với lý do: "Ở nhà, bố chỉ thích em trở thành tiền đạo. Nếu không được chơi ở vị trí này, em chẳng muốn tham gia đá bóng nữa".
Giã từ những điều không có thật
Việc bố mẹ hướng con đến một vị trí hay nghề nghiệp mà họ yêu thích sẽ làm trẻ mất đi tính quyết đoán và tự lập trong suy nghĩ. Từ đó, trẻ không có cơ hội thể hiện mình ở lĩnh vực mà chúng có thể làm tốt.
Bên cạnh đó, trẻ mất hẳn khả năng tự đánh giá năng lực bản thân cũng như xác định những gì mình thích. Bé sẽ chẳng dám thử sức trong lĩnh vực khác vì đã được bố mẹ "nhồi nhét" suy nghĩ của người lớn.
Phần lớn người thành đạt trong sự nghiệp hay các vĩ nhân đều xuất thân từ những gia đình dân chủ. Bố mẹ thường tạo điều kiện để họ độc lập trong suy nghĩ và chẳng khi nào họ ảo giác về năng lực của họ.
Chính vì vậy, lời khen là nguồn động viên không thể thiếu, nhưng các bậc phụ huynh nên biết tán thưởng con trong các trường hợp thích đáng. Làm như thế sẽ mang đến lợi ích nhất định, giúp trẻ càng cố gắng hơn để bù đắp khiếm khuyết và phát huy ưu điểm của bản thân.
(Theo Tiếp Thị & Gia Đình)