Sau khi bạn bè du lịch về, chúng tôi đều hỏi thăm họ về chuyến đi để biết góc nhìn của họ với du lịch Việt Nam. Một sự thật là nhận xét của họ ngày càng tích cực hơn, chứ không quá bi đát như nhiều ý kiến tôi thấy trên mạng. Điều này thể hiện rõ qua việc họ hào hứng kể về những ấn tượng trong chuyến đi.
Nếu như hơn mười năm trước, bạn bè tôi chỉ khen về cảnh Hạ Long đẹp, thì câu chuyện bây giờ đã lan sang cả thái độ phục vụ. Đơn cử như một cặp vợ chồng vừa có chuyến du lịch xuyên Việt trong ba tuần, ở 12 thành phố, với khoản tiêu phí khoảng hơn 300 triệu đồng, chưa tính phát sinh và tips. Đây là một chuyến đi đặc biệt được thiết kế theo yêu cầu.
Ấn tượng lớn nhất của người chồng là thái độ phục vụ chu đáo. Nhân viên khách sạn chủ động niềm nở chào hỏi, bê vác hành lý và đối xử tôn trọng như thượng khách. Trong khi chờ làm thủ tục check-in, bảng điện tử chạy dòng chữ lớn chào mừng với tên của họ. Người chồng cũng rất ấn tượng với việc không gặp trên phố người ăn xin, vô gia cư. Điều này là một phép màu ở những thành phố hiện đại như Sydney, New York... Mặc dù giao thông hỗn loạn, taxi luôn cố gắng đưa họ đến nơi đúng giờ và an toàn. Tài xế taxi thường vui tính, hay cười. Có nhiều người cố gắng nói chuyện dí dỏm dù khả năng giao tiếp hữu hạn. Trong mắt anh, Việt Nam là một đất nước thân thiện, không ngừng nỗ lực, không ngừng cố gắng.
Người vợ lại rất ấn tượng với ẩm thực của Việt Nam. Nếu mười năm trước, bạn bè tôi thường chỉ khen đồ ăn rẻ, thì bây giờ tôi lại được nghe người vợ khen đồ ăn ngon. Khi ở Hội An, chị đưa chồng quay lại một quán bánh mì tới ba lần trong cùng một ngày. Và dù vậy, họ vẫn chưa ăn hết các loại bánh ngon trong tiệm. Người vợ không thích Huế vì buồn, nhưng lại ấn tượng với ẩm thực cung đình Huế. Khi ăn chè, người bán hỏi chị độ ngọt và cho chị thử vài thìa trong một số cốc mẫu để nêm cho vừa miệng với chị. Trong mắt chị, Việt Nam là một thiên đường về ẩm thực đường phố mà những quán ăn Việt ở nước ngoài không thể truyền tải hết những tinh túy này.
Với thái độ hài lòng, hai vợ chồng quyết định sẽ quay lại Việt Nam trong đợt tiếp theo. Một số nơi mà cả hai vợ chồng cùng ấn tượng lại sớm bị gạch ra khỏi danh sách như Sapa, Hạ Long, Đà Lạt, Cần Thơ... Đây là những địa điểm du lịch khám phá. Hai người đều thống nhất là không cần thiết phải quay trở lại những nơi này do không nhìn thấy hoạt động gì mà họ cần phải khám phá thêm. Người vợ muốn quay lại Hà Nội và Hội An do ẩm thực độc đáo, trong khi người chồng muốn ở Đà Nẵng và TP HCM vì sự thân thiện và hiếu khách của người dân nơi đây. Với nguồn tài chính dư dả, tôi tin là họ có thể trải nghiệm tất cả.
Nhận xét của hai vợ chồng có tiềm năng trở thành khách hàng thân thiết này có thể cung cấp một số góc nhìn cho du lịch Việt Nam. Thứ nhất, ngành du lịch đang không ngừng cố gắng nỗ lực, và thế giới nhìn thấy điều đó. Hãy không ngừng cố gắng đổi mới, sáng tạo. Mọi điều đều sẽ được ghi nhận ở sự hài lòng của khách hàng, doanh số và doanh thu. Nếu so với mười và hai mươi năm trước, dịch vụ du lịch Việt Nam đã phát triển vượt bậc, ngày càng thu hẹp hơn khoảng cách với thế giới.
Thứ hai, du lịch khám phá chỉ là một chiêu bài để mời gọi khách mới. Nếu muốn khách hàng quay lại, ngành du lịch cần gãi đúng gu và có một thương hiệu riêng, như nghĩ đến ẩm thực là muốn tới Việt Nam, nghĩ tới đất nước hạnh phúc là nghĩ tới Việt Nam... Việc phục vụ không nên đại trà mà cần có tính cá nhân hóa để khách hàng cảm nhận được dịch vụ ấy là dành cho mình. Khách hàng là một thực thể tồn tại cần được tôn trọng và phục vụ nhu cầu cụ thể, thay vì là túi tiền trong mắt của nhân viên du lịch. Khách du lịch sẵn sàng tiêu nhiều tiền nếu kỳ nghỉ của họ là một trải nghiệm xứng đáng. Trải nghiệm được tôn trọng và chăm sóc tận tình của họ là lời giới thiệu quảng bá tốt nhất.
Thứ ba, là hệ quả của thứ hai, trình độ ngoại ngữ cần phải được nâng cao đáng kể để tiếp cận và phục vụ khách hàng tốt hơn. Muốn khách du lịch thực sự là bạn bè quốc tế, tác phong phục vụ và ngôn ngữ trao đổi là hai điều kiện tiên quyết. Trong một hành trình dài ở Việt Nam, việc xảy ra những điều không ưng ý là khó tránh khỏi. Để tránh để lại ấn tượng xấu, cần một thái độ cầu thị và cách giải thích hợp lý, đủ để cảm thông. Bởi không ai thích bị lừa dù chỉ một đồng, người làm tour cũng nên lường trước cụ thể những hiểu nhầm có thể xảy ra.Tôi cho rằng một số lùm xùm trong du lịch với khác quốc tế thời gian qua như vụ khách đòi trả lại tiền trong tour Hà Giang là do thiếu một cách tiếp cận để giải thích hợp lý.
Trong quan điểm của tôi, tấm lòng nhiệt tình và chân thành với thế giới là tiền vốn rất lớn cho ngành du lịch Việt Nam.
Tô Thức