Ngày 8/10, Lâm Hữu Trí, 43 tuổi; Trần Văn Dũng, 54 tuổi; Phạm Văn Dương, 47 tuổi; Trần Văn Minh, 58 tuổi; Võ Thanh Liêm, 45 tuổi; Trần Ngọc Huệ, 61 tuổi; Nguyễn Đức Tú, 49 tuổi (đều là cựu thanh tra viên, Sở Giao thông Vận tải) bị TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xét xử về tội Nhận hối lộ.
49 bị cáo là giám đốc hoặc chủ cơ sở kinh doanh vận tải, xây dựng bị xét xử về tội Đưa hối lộ.
Đây là vụ án có nhiều bị cáo nhất từ trước tới nay được TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xét xử. Tòa mất một ngày hôm qua để làm thủ tục và công bố cáo trạng dài 80 trang.
Theo cáo trạng, Sở Giao thông Vận tải Bà Rịa - Vũng Tàu có 7 đội nghiệp vụ thanh tra, luân phiên thay đổi địa bàn hoạt động (trừ Côn Đảo) với chu kỳ hai tháng một lần. Từ năm 2021 đến tháng 3/2023, 7 thanh tra viên đã nhận tiền của nhiều cá nhân, chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường bộ ở các thành phố, thị xã, huyện nhằm không hoặc ít kiểm tra xử phạt họ.
'Không ép các chủ xe nộp tiền bảo kê'
Bị xác định nhận hối lộ của 55 tổ chức, cá nhân với số tiền hơn 5 tỷ đồng, Lâm Hữu Trí được tòa dành nhiều thời gian thẩm vấn.
Bị cáo thừa nhận hành vi, song cho rằng không o ép, hay buộc các chủ xe, doanh nghiệp phải chi tiền bảo kê. "Họ chủ động gọi cho bị cáo, nói gửi tiền cà phê, cơm nước cho anh em. Không có trường hợp nào bị cáo gặp đặt vấn đề phải đưa tiền hàng tháng để được yên ổn làm ăn", Trí khai.
Trí nói không yêu cầu phải đóng bao nhiêu tiền mỗi tháng, mà chủ xe, doanh nghiệp tự sắp xếp "ba triệu, hai triệu mấy". Trí đưa tài khoản của mình và của cha vợ cho họ chuyển tiền vào hàng tháng. Đối với xe ở những địa bàn không do mình phụ trách, Trí gọi cho các đội trưởng hoặc đồng nghiệp phụ trách để "nhờ", nếu đồng ý sẽ nhận tiền rồi chia lại.
Khi chủ xe chuyển tiền vào tài khoản, Trí ghi vào hai cuốn vở học sinh. Cuối mỗi tháng, Trí tổng kết, rút tiền đưa cho các đội hoặc chuyển khoản và chỉ giữ lại tiền của những xe hoạt động trên địa bàn do mình phụ trách.
Theo bị cáo, trong tổng số hơn 5 tỷ đồng nhận hối lộ của 55 tổ chức, cá nhân chỉ được hưởng 300-400 triệu đồng, còn bao nhiêu đã chia lại cho các đồng nghiệp và cấp trên. Tuy nhiên, ngoài ba bị cáo Dũng, Liêm và Tú thừa nhận việc được chia lại hơn 360 triệu đồng, đối với những người còn lại, Trí không đưa ra được bằng chứng để chứng minh.
Trả lời HĐXX sau đó, bị cáo Trần Văn Dũng, nguyên phó đội Thanh tra giao thông số 8, khai trong quá trình dừng xe kiểm tra thì được Trí gọi điện nhờ giúp đỡ. "Bị cáo nghĩ vì anh em trong cơ quan quen biết nên tạo điều kiện giúp đỡ, sau đó được Trí gửi tiền hỗ trợ cà phê, ăn xuống, xăng xe. Bị cáo không đòi hỏi mỗi xe phải bồi dưỡng bao nhiêu tiền, mà do Trí tự nguyện chuyển vào tài khoản. Tiền nhận được, bị cáo chia lại cho anh em trong đội", Dũng khai, thêm rằng khi "giúp" được xe nào thì Trí gửi tiền xe đó, nhưng chỉ bỏ qua những lỗi nhẹ, còn lỗi nặng vẫn lập biên bản xử phạt.
Ngoài 283 triệu đồng nhận từ Trí, Dũng thừa nhận khoản hối lộ của một doanh nghiệp hơn 18 triệu đồng. Đối với khoản tiền này, Dũng khai quen biết qua lại với doanh nghiệp và "lâu lâu họ chuyển để anh em đi lại, ăn uống". "Bị cáo lúc đó chỉ nghĩ đây là tiền cơm, nước. Sau khi nhận thức hành vi vi phạm pháp luật, bị cáo rất hối hận ", Dũng nói.
Còn bị cáo Trần Văn Minh khai, mỗi khi luân chuyển về địa bàn mới, các chủ xe, doanh nghiệp tự đến liên hệ để gửi gắm chứ không thỏa thuận hay ép buộc. "Bị cáo không biết vì sao mỗi khi chuyển địa bàn họ đều biết", Minh khai và thêm rằng, khi đã nhận tiền của họ thì ngầm hiểu rằng sẽ không xử phạt. Ông Minh dùng tài khoản của con gái để nhận hối lộ 183 triệu đồng từ 6 chủ xe.
Trong vụ án này, 63 chủ xe và chủ doanh nghiệp bị cáo buộc Đưa hối lộ cho nhóm thanh tra giao thông với tổng số tiền gần 6 tỷ đồng. Người đưa hối lộ nhiều nhất gần 800 triệu đồng, người thấp nhất vài triệu đồng.
Trong đó, 14 cá nhân là chủ hộ kinh doanh bị nhóm thanh tra giao thông ép buộc, hoặc đưa hối lộ do bị gợi ý, với số tiền nhỏ nên cơ quan điều tra miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.
Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 5 ngày.
Trường Hà