Nhà sáng tạo nội dung Dalton Roe chia sẻ trên trang cá nhân cách trải qua các chuyến bay kéo dài 7-9 tiếng thoải mái nhất. Roe vừa bay từ Orlando đến Los Angeles, Mỹ mà không ăn, uống cũng không nghe nhạc hay xem các chương trình giải trí trên màn hình tivi gắn ở ghế phía trước. Anh thậm chí không ngả lưng ghế và chỉ nhìn chằm chằm vào bản đồ thông báo vận tốc máy bay trước mặt.
Hai video dài 5 giây của Roe thu hút tổng hơn 4,2 triệu lượt xem trên TikTok sau hơn 10 ngày đăng tải, hàng nghìn bình luận trái chiều trên các nền tảng mạng xã hội. Nhiều người cho rằng dựng thẳng lưng ghế trong một chuyến bay gần 10 tiếng là "điều điên rồ", "một cơn ác mộng".
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ tâm lý học Sandi Mann, chuyên nghiên cứu về các vấn đề buồn chán, hạnh phúc hay cảm xúc của con người, phương pháp Roe đang áp dụng mang lại "nhiều lợi ích hơn mọi người nghĩ". Nó giúp hành khách kích thích sáng tạo và giảm bớt lo lắng.
Mann giảng dạy tại Đại học Central Lancashire, Anh, nói đang có "cơn sốt" về các "chuyến bay thô" - hành khách không làm gì suốt chặng đường. Khi hành khách tránh xa điện thoại hoặc các tác nhân gây kích thích, làm xáo trộn tâm lý khác và cho phép tâm trí lang thang sẽ giúp họ khơi dậy những ý tưởng, sáng tạo mới. Không có gì để làm, bị phân tâm giúp chúng ta giảm tối đa sự kích thích gây ra tâm trạng bồn chồn, buồn chán - những cảm giác khiến hành khách khó chịu và muốn tránh khi bay. "Khi chúng ta ép mình trong trạng thái ngồi im, tâm trí chúng ta sẽ bắt đầu hướng nội", Mann nói.
Mann từng thực hiện thí nghiệm tương tự tại Đại học nơi bà giảng dạy khi đưa mọi người đang từ môi trường sôi động bên ngoài vào căn phòng yên tĩnh, không có gì để giải trí. Ban đầu, mọi người không thoải mái và muốn làm điều gì đó cho "đỡ buồn". Nhưng sau đó, họ bình tĩnh lại và thấy thư giãn hơn.
Ngừng kiểm soát não bộ và để tâm trí đi lang thang, mơ mộng được Mann đánh giá là "quá trình thúc đẩy sự sáng tạo". Phương pháp này được coi là thích hợp khi áp dụng trong các chuyến bay, giúp hành khách thoát khỏi sự hối hả của cuộc sống hàng ngày. Chuyển điện thoại sang chế độ máy bay giúp họ ngừng kết nối với bên ngoài, không bị phân tâm về các tin nhắn công việc và hoàn toàn tập trung vào các suy nghĩ bên trong.
Ban đầu, mọi người có thể thấy khó khăn khi áp dụng phương pháp này. Nhưng Mann khẳng định hành khách cuối cùng sẽ thấy thư giãn. Phương pháp đòi hỏi kiên nhẫn nhưng mang lại lợi ích to lớn. Tiến sĩ hy vọng xu hướng này có thể truyền cảm hứng cho nhiều người cùng thử.
Nhà tâm lý học lâm sàng, Tiến sĩ Daniel Glazer cho biết khi không bị phân tâm, chúng ta sẽ giảm được mức độ căng thẳng, lo lắng. Glazer gọi hành động ngồi im trên máy bay, để tâm trí lang thang là "kiểu thiền định ngẫu hứng". Phương pháp có thể không dành cho tất cả mọi người nhưng dành thời gian chăm sóc nội tâm chính mình, ngắt kết nối với thế giới bên ngoài có thể mang lại những lợi ích tâm lý nhất định, giống như "thực hành chánh niệm".
Anh Minh (Theo DM, Independent)