Theo Joe Forgas, giáo sư tâm lý học tại Đại học New South Wales, một số cảm xúc buồn chán hoặc giận giữ xảy ra thất thường ở con người cũng có những lợi ích nhất định đối với sức khỏe và tinh thần như những cảm xúc tích cực khác.
Khác với suy nghĩ trước đây của hầu hết mọi người về tác động tiêu cực của những tâm trạng này, nhà nghiên cứu đã chứng minh được rằng giai đoạn mà con người cảm thấy bực tức, buồn chán hay khó chịu, có thể làm tăng sự tập trung chú ý, tăng cường phục hồi trí nhớ ngắn hạn và phát triển kỹ năng giao tiếp.
Bằng cách này, những tâm trạng mang tính tiêu cực xảy ra thất thường và có tính chất vừa phải sẽ rất hữu ích khi con người phải đối mặt với các vấn đề khác nhau. Những lợi ích sức khỏe có được nhờ tác động của tâm trạng không tốt cũng có thể giúp con người thích ứng với những tình huống khó khăn hơn, Huffington Post cho hay.
Năm 2009, Joe Forgas tiến hành nghiên cứu 120 người đàn ông và phụ nữ được chia thành hai nhóm xem hai thể loại phim khác nhau, một loại phim đem lại những cảm xúc vui tươi, hạnh phúc, và bộ phim chỉ làm xuất hiện tâm trạng đau buồn, chán nản.
Sau đó, những người tham gia được yêu cầu đưa ra những nhận xét, đánh giá về những vấn đề tranh luận theo chủ đề nhất định. Lúc này, những người tưởng chừng có tâm trạng không tốt sau khi xem phim lại có sự thể hiện tốt hơn trong khi tranh luận và phát hiện vấn đề so với những người còn lại.
Trạng thái cảm xúc có chức năng truyền tín hiệu quan trọng với con người, là bước đệm trước khi cơ thể có phản ứng phù hợp với các điều kiện môi trường khác nhau. Những trạng thái cảm xúc vui vẻ sẽ đem lại cảm giác an toàn, quen thuộc và truyền tín hiệu những phản ứng tồn tại sẵn có hoặc con người đã biết trước đó. Ngược lại, các cảm xúc khi con người có tâm trạng không vui sẽ đưa ra tín hiệu về một điều kiện môi trường hoàn toàn mới, do đó yêu cầu con người cần tập trung thì mới có thể có những phản ứng thích hợp và hiệu quả.
Tuy nhiên, những lợi ích trên chỉ xuất hiện khi cảm xúc và tâm trạng không vui của con người xảy ra tạm thời và không kéo dài. Khi đã chuyển sang giai đoạn trầm cảm hay stress, không những nó không có tác động tích cực mà con người sẽ gặp nhiều trở ngại nghiêm trọng hơn.
Thùy Linh