Theo các chuyên gia, thế kỷ 21 cũng là "thế kỷ của biển và đại dương" khi kinh tế biển trở thành nội dung quan trọng trong chiến lược biển của các quốc gia. Lịch sử cũng đã chứng kiến những đột phá phát triển mang tầm quốc tế đều xuất phát từ những quốc gia biển như: Italy, Tây Ban Nha, Đức, Anh, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc..., hình thành nên những mô hình đô thị biển quốc tế thành công.
Một mô hình đô thị biển tiêu biểu có thể nhắc tới Thâm Quyến, đặc khu kinh tế đầu tiên trong 5 đặc khu của Trung Quốc. Hệ thống cảng đặc khu kinh tế này lớn thứ 3 và là trung tâm tài chính xếp thứ 9 thế giới, mang lại gần 20% GDP cho Trung Quốc mỗi năm.
Còn tại Pháp, Paris cũng muốn nối dài "cánh tay" đến cảng biển Le Havre qua hệ thống cảng thủy nội địa trên sông Seine.
Thành phố này là vùng sản xuất chiếm 33% GDP Pháp và cung cấp hơn 6,5 triệu việc làm hằng năm. Trong khi đó, tại vùng đô thị phía Nam Florida, Mỹ, Miami không chỉ đảm nhiệm vai trò cảng biển quan trọng trong vận tải hàng hóa và hành khách, mà còn là trung tâm tài chính vùng. Miami thường được gọi là "thủ đô du thuyền của thế giới" và "cổng hàng hóa của châu Mỹ".
Đến nay, các "cực" tăng trưởng như Thâm Quyến, Paris hay Miami vẫn duy trì chiến lược gia tăng lợi thế cạnh tranh dựa trên sức mạnh kết nối cảng biển và các dịch vụ sau cảng, hoạt động thương mại và chức năng tài chính.
Với quy hoạch khoa học, bài bản, nhiều đô thị lấn biển đã trở thành biểu tượng của quốc gia, vươn tầm quốc tế như New York, San Diego, Hawaii (Mỹ); Volendam, Rotterdam (Hà Lan); Thượng Hải, Hong Kong, Ma Cao, Đài Loan (Trung Quốc); Tokyo (Nhật Bản); Pattaya, Phuket (Thái Lan) hay Singapore...
Trong xu hướng hội nhập toàn cầu, các đô thị lấn biển còn giữ lợi thế giao thông đường thuỷ và là cửa ngõ thông thương giữa các quốc gia, châu lục. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc triển khai dự án lấn biển không đơn giản. Khu vực được chọn phải trải qua quy trình thẩm định khắt khe về kết cấu tự nhiên, môi trường, nhu cầu kinh tế...
Cũng theo các chuyên gia, Việt Nam có lợi thế với hơn 3.200km bờ biển nên việc xây dựng đô thị lấn biển không chỉ là một giải pháp để mở rộng quỹ đất mà còn tạo nên sức bật của đô thị và kinh tế địa phương. Một số địa phương có điều kiện tự nhiên phù hợp để lấn biển có: Hạ Long (Quảng Ninh), Hải Phòng, Nha Trang (Khánh Hòa), La Gi (Bình Thuận), Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), Rạch Giá (Kiên Giang)...
Do mang lại lợi ích kinh tế với quy hoạch đô thị đa chức năng, mức giá bất động sản tại những khu vực này luôn cao hơn mặt bằng chung và có triển vọng tăng giá. Đây là lý do các nhà đầu tư thường ưu ái bất động sản ở những khu đô thị lấn biển.
Hoài Phong