Đó là những lợi ích chương trình Ngữ văn 6 mới do ông Nguyễn Phi Hùng - Phó hiệu trưởng Trường THPT Anhxtanh Hà Nội và cô Nguyễn Thị Nga, giáo viên giảng dạy chương trình Ngữ văn thuộc bộ sách Cánh Diều tại HOCMAI chia sẻ tại buổi talkshow "Cùng con tìm hiểu chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới lớp 6: Môn Ngữ văn - Có gì mới". Chương trình do Hệ thống Giáo dục HOCMAI tổ chức.
Tăng vốn đọc, tạo tình yêu sách và văn chương
Với hệ thống ngữ liệu rộng mở, được sắp xếp theo từng chủ điểm, gắn liền với các chủ đề đặc biệt, gần gũi và thiết thực trong cuộc sống, cả ba bộ sách Cánh Diều, Chân trời sáng tạo và Kết nối tri thức cuộc sống được các chuyên gia nhận định sẽ góp phần làm tăng vốn đọc, tạo tình yêu với văn chương, yêu sách cho học sinh.
Theo thầy Nguyễn Phi Hùng, các văn bản trong sách giáo khoa mới mang chủ đề gần gũi nhưng không kém phần sâu sắc, giàu tính nhân văn, gợi mở nhiều ý nghĩa về cuộc sống. Bên cạnh đó, cũng có các văn bản thông tin, nghị luận, đề cập đến các vấn đề thực tiễn. Điều này cho thấy, sách giáo khoa đã mở rộng, không chỉ hướng đến việc hoàn thành kiến thức trên lớp mà còn tạo cho học sinh tình yêu sách, văn chương, biết liên hệ với thực tiễn cuộc sống, từ đó tăng vốn đọc.
"Văn chương được kéo lại gần hơn với cuộc sống. Các kỹ năng hình thành trong môn Ngữ Văn 6 mới không đơn thuần là các kỹ năng thuộc về môn học, mà nó còn là các kỹ năng giao tiếp xã hội, cảm nhận vẻ đẹp của cuộc sống", thầy Hùng nói thêm.
Cô Nguyễn Thị Nga cũng cho biết, ngoài những văn bản trong sách giáo khoa hiện hành, chương trình Ngữ Văn 6 còn bổ sung thêm những ngữ liệu thuộc kiểu loại mới như văn bản nghị luận, văn bản thông tin. Học sinh không chỉ học cách cảm nhận góc nhìn cuộc sống thường ngày thông qua các câu hỏi như "Tại sao lại nuôi vật nuôi trong nhà", "Tại sao phải đối xử tốt với vật nuôi?" mà còn tiếp nhận thông tin, sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc như: Tuyên ngôn độc lập, chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trong quá trình dạy, cô cảm thấy điểm sáng nhất của các bộ sách giáo khoa mới này là giáo viên được thoải mái lựa chọn ngữ liệu trong các tiết học tự học, tự đánh giá. "Học sinh có thể tự tìm thêm các văn bản bên ngoài, những nội dung, thể loại phù hợp, tương tự để đánh giá sát thực khả năng tư duy, từ đó làm giàu vốn đọc và chủ động chiếm lĩnh kiến thức", cô Nga chia sẻ thêm.
Thoải mái bộc lộ phẩm chất cá nhân, sáng tạo
Chương trình Ngữ Văn 6 được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển những tinh túy, ưu điểm của chương trình hiện hành, bỏ đi những hạn chế, tiếp thu thành tựu nghiên cứu giáo dục theo mô hình phát triển năng lực của các nước tiên tiến trên thế giới. Mục tiêu giáo dục hướng đến phát triển các năng lực sáng tạo, chủ động và kỹ năng cụ thể cho học sinh, đặc biệt là năng lực giao tiếp và sử dụng ngôn ngữ thông qua tiết học nói và nghe.
Theo cô Nguyễn Thị Nga, với hệ thống kiến thức và ngữ liệu mới, học sinh có thể khám phá cuộc sống qua nhiều tác phẩm, văn bản mới mẻ, gần gũi với lứa tuổi, tâm lý, nhận thức. Hệ thống kiểm tra đánh giá bám sát của chương trình đánh giá được năng lực sáng tạo, giải quyết vấn đề của học sinh. Theo đó, các em sẽ thoải mái hơn trong việc bộc lộ cá tính, màu sắc cá nhân, đặc biệt là trong phần đọc hiểu bài văn nghị luận.
Cũng theo cô Nga, việc chuyển đổi chương trình giáo dục hiện hành tuy có khó khăn nhưng cũng là động lực giúp học sinh thay đổi phương pháp tiếp cận kiến thức. Trong giờ học, các em có thể đặt ra câu hỏi: mình sẽ học những gì, cách kiểm tra đánh giá ra sao để từ đó tự tìm hiểu về nội dung chương trình học, chuẩn đầu ra và xây dựng lộ trình học tập cụ thể, tránh trường hợp bỡ ngỡ, bị động.
Trong chương trình mới cách kiểm tra đánh giá cũng thay đổi, giáo viên có thể không sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa, đòi hỏi học sinh có tinh thần tự học, đọc sách và tập viết lách. Học sinh có thể tự tạo bài tập dự án theo các hình thức học như: diễn kịch, vẽ, đóng phim,... Đây cũng là một trong những yếu tố giúp các em thoải mái sáng tạo, bộc lộ cá tính.
Hình thành năng lực tự học, chủ động khám phá
Việc thay đổi phương pháp dạy học từ truyền thụ kiến thức cơ bản sang hình thành từng kỹ năng cho học sinh cần những hoạt động dạy học cụ thể do giáo viên xây dựng. Các hoạt động này góp phần giúp học sinh tự khám phá kiến thức.
Theo thầy Nguyễn Phi Hùng, bài giảng trực tuyến môn Ngữ Văn trong chương trình Học tốt 6 tại HOCMAI hiện nay là ví dụ cụ thể cho điều này. Ở phần đọc hiểu văn bản, trước đây, việc khám phá văn bản của học sinh phụ thuộc vào nội dung phân tích do thầy cô cung cấp sẵn. Nay, giáo viên sẽ cung cấp phiếu học tập chứa các câu hỏi gợi mở, qua việc trả lời các câu hỏi, học sinh sẽ tự khám phá ra sự thú vị của tác phẩm, đặc trưng của thể loại văn bản.
Qua từng bài học, các em sẽ có kinh nghiệm của "người đi đường". Khi gặp một dạng bài mới như đọc hiểu một bài thơ bất kỳ trên báo, học sinh có thể cảm nhận được nội dung, ý nghĩa, giá trị của tác phẩm. Nhờ những hoạt động do giáo viên thiết kế, học sinh sẽ tự mình tìm ra kiến thức. "Chính điều đó mới giúp cho phần kiến thức của các em được khắc sâu và hình thành được năng lực tự học", thầy Hùng khẳng định.
Sau khi hoàn thành các phiếu học tập, học sinh sẽ được hệ thống hóa kiến thức bằng sơ đồ tư duy tự vẽ ra bằng hình dung của chính mình và thực hiện viết các bài văn ngắn nêu lại cảm nhận của mình về tác phẩm vừa học. Sau phần luyện tập, học sinh sẽ có các hoạt động vận dụng kiến thức gắn với thực tiễn.
Chia sẻ về việc xây dựng nội dung, hoạt động học tập nhằm đạt mục tiêu dạy và học trong chương trình mới, cô Nguyễn Thị Nga cho biết, ở bộ sách Cánh Diều, mỗi bài giảng trực tuyến sẽ cô đọng trong khoảng 40 - 45 phút. Trong thời gian đó, học sinh sẽ được ôn lại kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, đồng thời luyện tập với hệ thống các phiếu bài tập tự luyện. Do đó, học trực tuyến theo chương trình mới vẫn có sự tương tác hai chiều. Thông qua hệ thống bài tập tự luyện, giáo viên sẽ đánh giá năng lực học sinh, phụ huynh có thể nhìn thấy sự tiến bộ của con.
Cô nhận định Học tốt 6 là những khóa học dạy bằng hình thức trực tuyến nên phương pháp dạy học có thể tận dụng thế mạnh của công nghệ như: khai thác video, hình ảnh trực quan sinh động, phù hợp với lứa tuổi học sinh lớp 6; tận dụng các công cụ ghi chép mới như sơ đồ tư duy, hệ thống các câu hỏi đàm thoại mở... "Phiếu bài tập có thiết kế đa dạng, câu hỏi liên quan đến phần vận dụng, liên hệ các vấn đề thực tế cuộc sống", cô Nga chia sẻ thêm.
Độc giả xem chi tiết talkshow "Cùng con tìm hiểu chương trình GDPT mới lớp 6: Môn Ngữ văn - Có gì mới" tại đây.
Thiên Minh
Ảnh: HOCMAI