"Hơn 8 năm trước về dự kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Giáp bảo sức khỏe yếu rồi khó dự kỷ niệm 60 năm nữa, nhưng tôi vẫn mong ngày ông trở lại. Ông vẫn còn chưa bù cho dân làng tôi 9 tấn thóc mà đã đi rồi", bà cụ Lò Thị Đôi nghẹn ngào. Bà Đôi năm nay tròn 100 tuổi, thời chiến dịch Điện Biên là tổ trưởng tổ phụ nữ, người địa phương Mường Phăng nên được giao nhiệm vụ làm giao liên dẫn đường cho vị tổng chỉ huy chiến dịch.
Bản Mường Phăng nằm cách thành phố Điện Biên 30 km về phía đông, đường vào nay đã được bê tông hóa nhưng vẫn còn qua nhiều đèo dốc, xa xôi. Nơi đây ngày xưa là đại bản doanh của Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên, nơi sống và làm việc của Tướng Giáp. Mường Phăng nay trở thành bảo tàng di tích chiến dịch Điện Biên.
Trong căn nhà sàn đối diện bảo tàng, bà cụ Đôi mấy hôm nay ho nhiều, sức khỏe yếu hơn. Bà khóc - giọt nước mắt đã mấy chục năm rồi chưa từng chảy, khi nghe tin Tướng Giáp mất. "Ông Giáp hơn tôi 3 tuổi", cụ bà lau nước mắt kèm theo những cơn ho lụ khụ.
Tuổi cao nhưng bà cụ vẫn đi lại, trí nhớ minh mẫn. Khi kể về vị tướng của mình, bà nói liên hồi, nhiệt huyết. Cụ bà tiếc nuối: "Lần ông Giáp về kỷ niệm 50 năm, ông cầm tay tôi bảo thỉnh thoảng viết thư cho ông ấy, nhưng tôi không biết chữ".
Tuổi đôi mươi, cụ Đôi đã tích cực tham gia kháng chiến, làm vận động quân lương ở địa phương cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Bà còn nhớ như in lần đầu tiên gặp vị tướng: "Tôi được lệnh cấp trên giao dẫn đường cho tướng Giáp. Hồi ấy ông còn trẻ lắm, thư sinh, gần gũi. Ông bảo với tôi 'Ở đây sẽ xây dựng cơ quan đầu não quân sự, bên này dành cho quân sự, ủy ban kháng chiến cung cấp hậu cần sẽ ở bên kia'".
Hồi ấy chỉ cụ Đôi và một chiến sĩ khác ở Mường Phăng (nay đã mất) mới có thể qua trạm gác bảo vệ, nhìn bóng dáng vị Đại tướng họp bàn chiến dịch bên trong cơ quan đầu não. Khi chiến trường ở bản Xôm cạnh đó không vận động đủ quân lương, Tướng Giáp chỉ thị bà Đôi vận động nhân dân Mường Phăng ủng hộ được 9 tấn gạo.
Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, gia đình bà Đôi ủng hộ 3 con trâu cho trung ương cày cấy, mổ 2 con bò để khao quân. "Ông Giáp giao cho tôi làm thịt bò cho quân dân ăn, còn ông không ăn thịt bò đâu", cụ bà nói thêm.
Sau chiến thắng Điện Biên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp mời cụ Đôi xuống thành phố gặp mặt. "Tôi không biết đường hỏi thăm nên lính gác không cho vào. Hai ngày sau tôi mới được gặp ông Giáp. Ông dặn tôi không được nghỉ việc, cứ tham gia cách mạng cho đến khi nghỉ hưu", bà cụ lại nghẹn lời. Nghe lời Đại tướng, bà Đôi vẫn tích cực hoạt động cách mạng. Bà còn rủ thêm em gái cùng tham gia vào ban dân vận. Về sau bà Đôi giữ chức chủ tịch Hội phụ nữ xã Mường Phăng cho đến năm 1979 thì nghỉ hưu.
Bà Đôi không nghĩ tận 50 năm sau chiến thắng, bà lại được gặp vị tướng tài ba, gần gũi với nhân dân, thân thiết như người anh ruột thịt lần nữa. Trong kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, bà Đôi được nói chuyện với Đại tướng.
"Lần này gặp lại, ông Giáp đã già, sức khỏe yếu, ông cầm tay tôi mà run run. Ông hỏi thăm gia đình tôi. Tôi nói có 5 người con. Ông Giáp cho biết người vợ cũ đã mất, ông đi thêm bước nữa và có thêm 4 người con. Lời cuối cùng ông nói với tôi là 'Chắc là không về thăm chiến trường xưa được nữa', rồi kéo tôi đi chụp ảnh", bà cụ nhớ lại.
Tướng Giáp mất, người chiến sĩ pháo cao xạ năm xưa Phạm Đức Cư (bản Ten, thành phố Điện Biên) cuối tuần rồi đã lập bàn thờ vị tướng trong nhà, liên tiếp nối hương không cho tắt lửa. Bức ảnh thờ Đại tướng do chính ông Cư chụp trong một lần gặp mặt. Cựu binh này xót xa: "Người lính như tôi đạn bom không sợ, đau thương không khóc nhưng tin anh Giáp qua đời tôi đã khóc". Ngay trong đêm nhận được tin, ông Cư chong đèn viết "điếu văn" khóc Tướng Giáp, lời văn hào hùng, kính trọng lại phảng phất xót thương.
Như bao thanh niên thời đó, từ vùng quê Thái Bình ông Cư lên đường tham gia kháng chiến, nhờ có trình độ nên ông được trung ương cử đi học binh chủng cao xạ pháo. Năm 1954, ông Cư và một số đồng đội được điều động về nước kéo pháo vào lòng chảo Mường Thanh chiến đấu với quân Pháp suốt 56 ngày đêm, với 41 trận địa pháo. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Cư lại kéo pháo vào Quảng Bình, đến năm 1960 thì về đóng quân ở Sơn La. Sau đó ông chuyển ngành sang cán bộ viên chức, giữ hàm thượng úy.
Ông Cư tự nhận cuộc đời ông may mắn được nhiều lần gặp tướng Giáp. Lần đầu tiên là ở chiến khu Việt Bắc năm 1949. Lúc đó, trung đoàn 367 của ông nhận nhiệm vụ đi học về pháo cao xạ. Tướng Giáp đến gặp gỡ, vỗ vai từng chiến sĩ động viên. "Bác nói 'Quân đội chúng ta đã trưởng thành, nay Bộ Chính trị giao cho các đồng chí nhiệm vụ mới. Các đồng chí cố gắng hoàn thành'. Mấy chục người lính chúng tôi tuổi đời dưới 25 cùng đồng thanh nhận nhiệm vụ dù lúc đó vẫn chưa biết nhiệm vụ mới là gì", người cựu binh nhớ lại.
Lần sau gặp Đại tướng là lúc ông Cư nhận lệnh trở về tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. "Bác Giáp đến thăm chúng tôi và động viên: 'Liên Xô đã giúp chúng ta pháo và xe pháo. Các đồng chí đã được cho đi học sử dụng nên Đảng, Nhà nước yêu cầu các đồng chí tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Mỗi tiểu đội có hứa trong chiến dịch này bắn rơi một máy bay không?'". Tất cả chiến sĩ đều đồng thanh "Có". Và sự thực không chỉ bắn rơi một máy bay, trung đoàn 367 của ông Cư đã bắn rơi 52 chiếc máy bay trong đó có cả pháo đài bay B24 của Pháp.
Hòa bình lập lại, đơn vị của ông Cư kéo pháo về Thủ đô, tập kết ở sân bay Bạch Mai. Từ xa ông Cư đã nhìn thấy lãnh tụ Hồ Chí Minh và Tướng Giáp đi động viên các chiến sĩ tham gia duyệt binh. "Đại tướng đứng trên xe đi qua hàng của tôi, chúng tôi đồng thanh hô: Chúc Đại tướng khỏe'. Ông cũng đáp lời ngay 'Chúc các đồng chí khỏe'", ông Cư triền miên trong dòng hồi ức.
Trong lần Đại tướng về Điện Biên nhân kỷ niệm 50 chiến thắng, ông Cư biết tin từ sớm. Ông nhờ cô cháu gái mượn hộ chiếc máy ảnh nhỏ và được gặp tướng Giáp ở di tích Hận thù Noong Nhai.
"Tôi chụp được 3 kiểu ảnh. Có kiểu này là đẹp nhất", ông Cư chỉ bức ảnh chụp Đại tướng đang đặt trên bàn thờ. Bức ảnh này trước đó được ông treo ở vị trí chính giữa khung ảnh của ông và đồng đội.
Cũng như ông Cư, cụ Nguyễn Hữu Chấp (82 tuổi, Him Lam) bàng hoàng nghe tin Đại tướng qua đời. Người cựu chiến binh từng dính pháo cối vào người lặng thinh một hồi rồi chìm vào hồi ức của mình trong trận Điện Biên Phủ hào hùng.
Thời còn trẻ, ông Chấp thấp bé, không đủ cân đi bộ đội. May nhờ một người lính cùng quê nên ông được tham gia quân ngũ. Ban đầu chiến đấu ở quê nhà Phú Thọ, sau được cử lên Điện Biên đánh chiếm đồi D1, sau đó là E1 rồi chiếm giữ quả đồi này. "Vị trí đồi E nhô ra, bộ Tham mưu bố trí đòn hỏa lực mạnh để chi viện cho bộ binh. Cứ thấy ôtô chở đạn, quân lương của địch là bắn, cả ngày đêm. Chúng tôi chiến đấu suốt một tháng 4 ngày ở điểm này, không đánh răng, tắm giặt. Ngày hai buổi có người mang cho hai nắm cơm và nước uống. Lúc nào không có địch thì ăn", ông Chấp nhớ lại.
Một hôm, ông Chấp nghe được chất giọng Quảng Bình trầm ấm hỏi xin thuốc lào. Ông tưởng là đồng đội mình nên bắt chước giọng nhại lại. "Lúc sau ngẩng lên mới thấy một đồng chí đang châm thuốc cho Đại tướng. Ông cười chứ không trách mắng. Trong quân ngũ chỉ có tình đồng chí, đồng đội, không phân chia cao thấp gì cả", ông Chấp nhớ lại.
Phan Dương