Phan Văn Lắm, sinh năm 1950, vốn là công nhân bốc vác tại cảng Khánh Hội. Công việc nặng nhọc, vất vả khiến anh ta bị hoại tử xương đùi, phải mổ để gắn nẹp sắt. Biệt danh Lắm “què” có từ đó.
Năm 1989, Lắm "què" đầu quân cho Thọ “đại úy” (cháu gọi Năm Cam bằng cậu ruột) làm nhiệm vụ bảo vệ sòng bài ngay tại đại bản doanh 148 Tôn Đản. Mỗi ngày, anh ta được Thọ trả công 50-100 nghìn đồng. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ sòng bài cho Thọ, Lắm còn lui tới đánh bạc ở sòng của Nguyễn Văn Lắn (Lủng “đầu bò”) tại đường Hoàng Diệu và khu Hai Mươi Thước, quận 4. Sau 10 năm lao vào trò cờ bạc bịp, Lắm “què” dành dụm được 200 triệu đồng và mua căn nhà của Thọ ở đường Tôn Đản để tổ chức sòng bài ngẩu hầm tại đây.
Nỗi đau từ phía gia đình
Người con gái út của Lắm, tên B.H., đã học hết lớp 12 và đang luyện thi đại học. Em luôn ước mong thoát khỏi khu lao động nghèo, phức tạp 148 Tôn Đản này. H. nói: “Biết ba phạm tội, em buồn lắm. Nhiều lúc không muốn học hành gì cả. Nhưng em cũng vận động ba ra đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng”.
Vợ Lắm cho biết, căn nhà mà vợ chồng chị đang ở là mua của Thọ “đại úy” nhưng chẳng có giấy tờ gì. “Vậy là tay trắng lại hoàn tay trắng, lại còn mang tiếng xấu với bà con cô bác nữa”, chị nói.
Sau khi ra đầu thú hôm 22/1, Lắm được tại ngoại. Với anh ta, được thoải mái ở nhà với vợ con, không phải trốn lủi về Cần Thơ như sau hôm Năm Cam bị bắt, là hạnh phúc lắm. “Giờ thì tôi thấy thanh thản lắm rồi, không còn lo sợ, mất ăn mất ngủ như trước đây nữa”, Lắm nói. Mong ước của người đàn ông lầm lỗi này là được xem xét giảm nhẹ tội, để sớm được về quê ở Tây Ninh, sống quãng đường còn lại. Lắm nhắn nhủ với những người anh em đồng thuyền trước đây: “Tuy muộn song vẫn còn hơn, để cả mình và con cháu được thanh thản”.
(Theo Người Lao Động)