Luật sư tư vấn
Theo điều 22 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, cảnh cáo được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ và theo quy định thì bị áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo hoặc đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện; cảnh cáo được quyết định bằng văn bản.
Theo khoản 1 điều 13, khoản 1 điều 15 và khoản 1 điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, các vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trong các trường hợp sau đây có áp dụng hình thức xử phạt là cảnh cáo:
Trường hợp 1: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 250.000 đồng đến 500.000 đồng với cá nhân, từ 500.000 đồng đến một triệu đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi thi công trên đường bộ đang khai thác không treo biển báo thông tin công trình hoặc treo biển báo thông tin không đầy đủ nội dung theo quy định.
Trường hợp 2: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng đối với cá nhân thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau:
- Chăn dắt súc vật ở mái đường; buộc súc vật vào hàng cây hai bên đường hoặc vào cọc tiêu, biển báo, rào chắn, các công trình phụ trợ của giao thông đường bộ.
- Tự ý leo trèo lên mố, trụ, dầm cầu.
Trường hợp 3: Phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự môtô hoặc điều khiển xe ôtô, máy kéo và các loại xe tương tự ôtô.
Căn cứ các quy định nêu trên thì đối với lỗi tại trường hợp 3 sẽ bị phạt cảnh cáo; lỗi tại trường hợp 1 và trường hợp 2 sẽ phạt cảnh cáo nếu vi phạm hành chính không nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ.
Luật sư Phạm Thanh Hữu
Đoàn luật sư TP HCM