![]() |
Ảnh: anekayess-online.com. |
Các nghiên cứu trước đã cho biết lời đồn phục vụ rất nhiều mục đích, bao gồm tăng cường các mối liên kết xã hội, phát tán các chuẩn mực trong cộng đồng và giúp người khác tránh khỏi những lời bịa đặt hay các mối hiểm nguy.
Tin đồn có thể là nguồn thông tin đáng tin cậy nhất về những tình huống mà bạn không được biết. Nhưng nếu bạn được nghe một lời đồn đại mà mâu thuẫn với con người hoặc trường hợp mà bạn quen thuộc, liệu bạn có sẵn sàng vứt bỏ những lời truyền miệng đó để giữ vững quan điểm của mình?
Nghiên cứu mới cho thấy con người đôi khi quá tin tưởng vào những lời đồn đại khiến họ chấp nhận đấy là sự thật, kể cả khi những gì họ quan sát và trải nghiệm lại hoàn toàn khác.
"Lời đồn có khả năng tác động ghê gớm, có thể được những kẻ buôn chuyện lợi dụng để hạ thấp nhân phẩm của người khác, hoặc cũng có thể nhằm nâng cao danh tiếng của chính mình", nhà nghiên cứu Ralf Sommerfeld tại Viện sinh học tiến hóa Max-Planck, Mỹ, viết. "Kết quả nghiên cứu này nói lên rằng con người đã quen với việc đưa ra quyết định dựa trên những lời đồn thổi, tán gẫu, hoặc các thông tin truyền miệng khác".
Sommerfeld và cộng sự đã kiểm tra lời đồn truyền đi thông tin và ảnh hưởng tới hành vi của người khác như thế nào. 126 sinh viên tham gia một trò chơi vi tính, trong đó mỗi người được cặp với người khác, thông qua máy tính, và phải quyết định có cho bạn chơi một khoản tiền hay không. Vấn đề là nếu bạn cho tiền, đến vòng sau bạn sẽ nhận được một khoản hào phòng hơn.
Sau vài vòng, các sinh viên thay đổi bạn chơi và nhận được bản ghi chép về người cùng chơi, bao gồm số lần họ đã cho tiền và không cho tiền. Các sinh viên thường cho tiền những người mà trước đó cũng cho tiền người khác.
Sau đó, họ phải viết một nhận xét nhỏ về những người chơi mà họ từng cặp. Những lời viết bao gồm: "Anh này chơi rất hào phóng", hoặc "Hắn là một kẻ keo kiệt đấy, hãy cẩn thận".
Kết quả không có gì ngạc nhiên, những người được đọc nhận xét tích cực về người khác sẽ dễ dàng cho tiền người đó hơn. Điều ngược lại với những nhận xét tiêu cực.
"Nếu mọi người hành động một cách lý trí, họ sẽ đưa ra quyết định dựa trên những gì họ nhìn thấy, bởi họ biết chính xác hành vi trong quá khứ của người này. Nhưng thực tế là người ta vẫn bị tác động bởi những lời đồn đại", Sommerfeld nói.
M.T. (theo Livescience)