Mấy hôm nay, cây mắc ca nóng lên từng ngày, tôi chỉ thấy hình như mình gặp phải cảnh này ở đâu rồi. Tệ hơn, cái cảm giác đó có vẻ rất thân quen, cứ như là mình đã gặp cảnh này đến mấy lần rồi thì phải.
Tôi lớn lên ở một tỉnh nhỏ miền Tây, sống cùng nhiều nông dân ở miền sông nước. Ngày tôi còn bé tí, mới biết nghe chuyện của người lớn thì đã nghe nói rằng nhiều người bỏ vốn trồng cây tiêu để xuất khẩu. Nhưng rồi thị trường Đông Âu và Nga bão hoà, hàng nghìn gốc tiêu bị chặt bỏ và người dân lại lỗ.
Rồi tới việc trồng dừa lấy dầu. Nhà tôi có chừng mấy chục gốc dừa nên cũng thu hoạch, phơi khô trét tro để bán cho thương lái. Được mấy bận thì không thấy ai mua nữa, nhà tôi đành lấy dừa khô ra chế biến lại cho heo ăn, may là khi ấy chúng tôi chưa mua đất trồng dừa.
Sau đó tới nhãn da bò. Thương lái về mua để sấy nhãn bán sang Trung Quốc. Các lò sấy nhãn mọc lên rất nhiều. Nông dân thi nhau trồng nhãn, người nào không có việc làm thì đi làm cho các lò sấy nhãn. Hương nhãn thơm nức làng quê được ít lâu. Rồi chả hiểu sao nhãn lại không bán được, giá nhãn tươi còn khoảng 500 đồng một kg, bằng giá một que kem.
Sau này tôi học và sống ở Úc rồi ở Mỹ. Các siêu thị của người Á Châu có bán rất nhiều mặt hàng dành cho người Việt. Nước mắm Phú Quốc nhé, cà pháo muối, cà pháo mắm tôm, rồi mít đóng hộp, rồi chôm chôm, dừa nước đóng hộp, cùng vô vàn mặt hàng nông sản khác. Khổ nỗi chai nưới mắm Phú Quốc có in hình bản đồ Việt Nam đàng hoàng lại là "Product of Thailand". Nhiều món khác cũng vậy.
Có người nói rằng nhiều mặt hàng này được sản xuất ở Việt Nam. Thương lái Thái và Trung Quốc sang mua đem về, dán nhãn lại rồi xuất sang Mỹ. Nghe vào mà đau đến đứt ruột cho người nông dân Việt.
Rồi tôi lại nhớ tới việc tôm Việt Nam bị phát hiện có bơm thêm bột mì cho tăng trọng. Hay là cá da trơn Việt Nam bị liệt vào hạng "không nên ăn" do có nhiều kháng sinh. Một lần bất tín vạn lần bất tin, nên nông sản Việt vẫn phải khổ sở tìm đầu ra dù chất lượng thì không thua ai cả.
Trở lại hạt mắc ca, một loại hạt phổ biến ở phương Tây. Thị trường mắc ca không lớn như cà phê, và còn xếp sau nhiều lại hạt khác như đậu phộng, hạt điều, hạnh nhân, quả óc chó, hay pistachio. Mắc ca hơi khó ăn bởi rất béo và hạt to, cứng. Ở nước ngoài tôi thấy người ta dùng mắc ca trong các sản phẩm sô cô la, hay là ướp muối ăn chơi hoặc nhắm bia. Thị trường trong nước cho mắc ca là không nhiều bởi nó không có mặt trong thói quen ăn uống của người Việt.
Thị trường trong nước là thế và hạt mắc ca lại trông chờ vào thị trường xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu thì cũng như dưa như vải, như nhãn và cà phê, ngày nào người Việt còn chưa làm chủ được đầu ra mà còn phải trông vào trung gian thì nông dân Việt sẽ còn phải phập phù.
Trong khi đó, tôi mong rằng người nông dân Việt phải kinh doanh đúng lương tâm, đừng lạm dụng thuốc các loại. Còn các đơn vị chế biến thì đừng làm những việc sai trái trong chế biến. Các nước phát triển rất nghiêm khắc trong vấn đề an toàn thực phẩm. Khó hơn, họ hay dùng biện pháp "một cái sai thì bỏ hết cả đám". Một con sâu sẽ không chỉ làm rầu nồi canh, mà có thể khiến món canh đó không bao giờ được dùng nữa.
Hạt mắc ca có lẽ cũng có triển vọng trên thị trường. Còn việc nông dân Việt có đạt được kì vọng hay không phục thuộc rất nhiều vào đầu ra. Tôi mong các doanh nghiệp đầu ra làm việc nghiêm túc, để mọi nông sản Việt có đầu ra thường xuyên, chứ không phải chỉ mình mắc ca.
>> Xem thêm: Những thực phẩm cực nguy hiểm khi ăn sống
Khanh
Chia sẻ bài viết của bạn về cuộc sống tại đây.