Đó là người phụ nữ 58 tuổi, sau mổ ung thư tuyến giáp, chị đến nhờ tôi khám lại.
Gần hai tháng trước, chị có đồng nghiệp cũ phải mổ cấp cứu trong bệnh viện, do bị ung thư đại tràng. Triệu chứng bắt đầu xuất hiện từ hơn năm trước, nhưng sợ Covid nên anh không dám đi viện, đến khi đau không chịu nổi thì khối u đã vỡ. Chị giật mình liên hệ với bản thân. Thời trẻ quá bận rộn với công việc, chị ít quan tâm tới sức khỏe; về hưu thì chủ quan. Khi chứng kiến gần 40.000 người đã chết vì đại dịch Covid ở Việt Nam, chứng kiến đồng nghiệp bị ung thư phát hiện quá muộn, chị thay đổi hẳn quan niệm. Chị đặt lịch khám kiểm tra tổng thể.
Khám siêu âm tuyến giáp, bộ phận được coi là "ngã ba nội tiết" của phụ nữ - rất dễ bị tổn thương, tôi phát hiện một nhân có đủ dấu hiệu ác tính. Đó thực sự là một "quả bom hẹn giờ". Cầm tờ kết quả giải phẫu bệnh, người phụ nữ dường như không tin vào mắt mình. Chị kể đã khóc hàng đêm từ khi hay tin.
Sau một tuần làm các xét nghiệm và chụp chiếu, người phụ nữ vội vã đăng ký phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp. Những ngày chờ mổ quá dài, vì bệnh nhân ung thư xếp hàng. Có những người còn rất trẻ, vậy mà tế bào ung thư đã di căn đến hệ bạch huyết, di căn phổi, di căn gan và tuỷ xương, thậm chí bác sĩ dự đoán thời gian sống chỉ tính bằng tháng.
Thật may mắn, ung thư tuyến giáp của chị được phát hiện sớm, ca mổ thành công, di chứng để lại có thể chỉ khàn tiếng.
Ung thư không phải là căn bệnh thông thường. Theo thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu, trong năm 2020, mỗi ngày có khoảng 330 người Việt tử vong vì ung thư. Nếu con số thống kê cũng xấp xỉ ở năm 2021, thì số người chết vì ung thư cao gấp bốn lần chết vì Covid-19. Rõ ràng cả ung thư và Covid, nếu chúng ta chủ quan, đều sẽ rất khó để kiểm soát.
Tôi cho rằng, Covid cũng như ung thư hay tất cả căn bệnh khác, vừa là cơ hội để chúng ta thấy được giá trị của sức khoẻ, vừa để chúng ta suy nghĩ lại bản thân. Trong cuộc sống có ba thứ được nhiều người coi trọng gồm sức khoẻ, sự thành đạt và tiền của. Tôi coi sức khoẻ là số 1. Sự thành đạt là số 0. Tiền bạc cũng là số 0. Chỉ khi tôi viết số 1 ổn định đứng trước, thì đằng sau cứ mỗi lần điền một chữ số 0, giá trị sẽ tăng lên gấp mười lần. Ngược lại, nếu đưa số 0 lên trước số 1, thì dù có điền bao nhiêu số 0 đi nữa, những số 0 ấy cũng đều vô nghĩa.
Sức khoẻ là điều quý giá nhất trên đời, là cội nguồn của mọi hạnh phúc. Nhiều người mải mê lao về phía trước để giành lấy sự giàu có; chiến đấu hết mình, bất chấp tất cả, sẵn sàng làm tổn thương người khác và tổn thương chính mình. Chúng ta cũng phải trả giá để có được thành công. Nhưng cuối cùng, tất cả đều không thể vượt qua được trở ngại lớn về sức khoẻ. Tiền bạc không mua được sức khoẻ. Thành công cũng không mang đến sức khoẻ. Ngược lại, nếu có sức khoẻ, chúng ta mới có thể thành công và làm ra của cải.
Để thành đạt và giàu có, theo tôi, việc làm trước tiên là tạo ra sức khoẻ cho mình và giữ lấy nó. Tuổi ấu thơ, sau những trận ốm thập tử nhất sinh, tôi đã nhận ra sự quan trọng của sức khoẻ, đó là món quà của số phận. Lớn lên, đặc biệt là sau hai năm chứng kiến những cái chết bất ngờ và bất lực vì đại dịch, chứng kiến những bệnh viện quá tải; những bệnh nhân kiệt sức mà không đủ y bác sĩ chăm sóc... tôi càng hiểu cái giá của sức khỏe, mà không tiền bạc, thành công nào mua nổi.
Tôi đã trải qua nhiều thất bại, đủ để nhận thấy thất bại chỉ là tạm thời. Sự thành đạt cũng vậy, mọi thứ đều sẽ thay đổi theo thời gian.
Điều duy nhất mong manh và có thể khiến chúng ta mất đi mọi thứ trong chốc lát là sức khỏe của bản thân. Hơn lúc nào hết, năm nay, 2022 này, tôi mong chúng ta chúc nhau sức khỏe đầu tiên, trong mọi lời chúc năm mới, để nhắc nhau chăm sóc mình tốt hơn, tạo ra một thứ đề kháng tự nhiên chống lại dịch bệnh.
Cộng đồng sẽ khỏe mạnh, miễn dịch nếu mỗi cá nhân trong cộng đồng đó yêu thương và chăm chút tốt cho bản thân mình.
Trần Văn Phúc