Tôi viết những dòng cầu cứu này ở một trong những ngày tồi tệ nhất hơn 10 năm làm mẹ. Tôi lập gia đình được 11 năm, có hai cháu trai học lớp 5 và lớp 2. Cháu nhỏ tính cách hiền hòa nên tôi không phải lo nghĩ nhiều. Cháu lớn khiến tôi nhiều lần suy nghĩ trong đau khổ, không biết dạy con thế nào cho đúng, không biết mình dạy con sai ở đâu.
Vợ chồng tôi và hai con sống chung với ông bà nội, đều là những người học đại học, tạm coi là trí thức. Ông bà đã về hưu, chúng tôi đều làm nhân viên văn phòng, có nhà cửa, cuộc sống ổn định, không giàu cũng không khó khăn. Trong nhà chúng tôi hay có tiếng cãi nhau, nhiều nhất là ông nội cháu và bố cháu cãi vã, chủ yếu từ việc bất đồng ý kiến, không ai chịu ai, thỉnh thoảng có văng tục nhưng không nhiều. Tôi cũng tự nhận hôn nhân của mình không hạnh phúc, khi chúng tôi cũng có nhiều bất đồng quan điểm. Thường những lúc như vậy tôi sẽ nói rõ quan điểm của mình một cách cứng rắn, sau đó im lặng chứ không nói lai rai. Tôi không nhịn nhưng không phải kiểu lắm mồm.
Về người con lớn, cháu sinh ra tính cách khá bướng bỉnh nhưng từ nhỏ tôi dạy dỗ nghiêm khắc, cháu cũng gọi là biết nghe lời. Một năm trở lại đây, tôi thấy cháu có nhiều thay đổi kiểu tuổi ẩm ương, sắp bước vào dậy thì. Cháu kiên quyết làm theo ý mình dù được người lớn nhắc nhở về nề nếp, học hành. Người lớn nói một câu, cháu cãi lại một câu. Ví dụ cháu để bàn học chếch ra xa không đủ ánh sáng chiếu vào sách vở, khi tôi nhắc để sát lại cháu sẽ nhất định không để lại chỗ cũ.
Tôi nhắc để bát canh sát vào cạnh để không vươn cổ ra với bát húp canh, trông bất lịch sự và rơi nước ra bàn, cháu nói con ăn thấy bình thường, chẳng sao. Hoặc khi học bài, mẹ giao bài nhưng chỉ cần nhiều hơn mọi hôm 10 phút học, cháu sẽ càu nhàu, đá thúng đụng nia, vừa học vừa cắm cảu, em trai chỉ khẽ gây ra tiếng động cũng quát em rất to. Mẹ giao bài cho hai anh em, chỉ cần em học xong trước thì cháu sẽ quát em không được nói, không được gây tiếng động, nói kiểu khó chịu chỉ vì em được ra chơi còn mình thì không.
Cháu không đi học thêm nên tôi mua thêm vài quyển sách tham khảo để cháu làm ở nhà vì cháu không có bài tập về nhà, cháu kêu mẹ toàn mua những quyển vừa dài vừa khó, con không làm. Nói chung chỉ cần việc học gặp chút khó khăn là cháu buông bỏ, hay việc học xong sau giờ kết thúc học bình thường sẽ khiến cháu khó chịu ra mặt. Đỉnh điểm hôm nay, ông nội nhắc cháu ngẩng mặt lên, cháu nói: "Im đi để con viết", ông mắng thì cháu cãi, bảo cháu không nói: "Im đi". Tuy không trực tiếp ở đó nhưng tôi tin lời ông nội vì trước đó cũng có lần cháu nói trống không với tôi, ngay sau đó không thừa nhận.
Đến chiều em họ lên chơi, có cả cô của cháu. Cô góp ý cháu không nói to, không cãi người lớn nhem nhẻm... là cháu đối lại luôn. Đến lúc về cô cháu quên đồ, mọi người gọi với theo: "Giang ơi" để cô quay lại, cháu cũng vội gọi to: "Giang ơi". Lúc đó vì bực cháu lại nói trống không, cộng thêm chuyện lúc sáng, tôi đã tát mạnh cháu một cái. Cháu gào và giãy đành đạch ở giữa sân, vừa gào vừa tru tréo nói tôi. Lúc đó tôi thực sự sốc. Sau đó, hai mẹ con vào nhà nói chuyện. Tôi xin lỗi con vì đã tát, con giải thích do vội quá nên mới gọi vậy chứ không cố ý. Thế nhưng con yêu cầu tôi phải cho con tát lại vì tôi đã tát con.
Tôi cũng thỏa thuận với con là từ giờ con không được to tiếng hay cãi lại người lớn nữa, nếu có sự bất đồng thì hai mẹ con có thể ngồi lại nói chuyện để tìm cách giải quyết. Chỉ vài tiếng sau, tối con ngồi làm bài sai, tôi yêu cầu làm lại. Vì vượt quá vài phút so với giờ bình thường con được nghỉ, con đã lại ầm ĩ lên, bảo mẹ cho con quá nhiều bài. Tôi giải thích là con làm sai nên cần chữa lại, con vẫn gào lên. Gần đây cảm giác thất bại cứ bủa vây lấy tôi. Cuộc hôn nhân thất bại tôi coi như đã chấp nhận từ lâu, nhưng đau đáu làm sao để dạy con, để con không hư. Tôi lo sợ một vài tuổi nữa không nói được con, nhất là sau cái tát của con ngày hôm nay. Tôi sẵn sàng thay đổi bản thân, cách dạy dỗ của mình, miễn sau con trở nên tốt hơn. Xin mọi người hãy cho tôi lời khuyên.
Duyên Hà