Cuốn sách ra mắt năm 2019, được tái bản nhiều lần, gần nhất là vào tháng 7, chứa đựng nhiều thông tin thời sự về sông Mekong.
Eyler xem đối tượng ông khảo sát không chỉ là một con sông mang các giá trị về mặt kinh tế đơn thuần như sản xuất điện, giao thông đường thủy, tưới tiêu. Lớn hơn cả, ông coi Mekong là một thực thể sinh động, được thiên nhiên ban tặng sự hào phóng khiến nó trở nên vĩ đại. Vị trí địa lý cùng sản vật tự nhiên đã mang lại cho nơi này những trải nghiệm sống không nơi nào có được.
Tác giả nêu ra cảnh báo về hiện trạng các con đập, tuyến đường sắt, đường cao tốc mới sẽ làm thay đổi hoàn toàn môi trường văn hóa và sự phong phú sinh thái - vốn vẫn còn được thấy trong những ngày cuối của dòng Mekong.
Khởi đầu ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), Eyler đề cập về động lực phát triển vĩ mô đối với loạt đập ở vùng Thượng Mekong đã tạo nên thay đổi nghiêm trọng trong cuộc sống của các sắc dân. Đó là mối lo ngại trước những khó khăn trong việc tạo lập ý thức cộng đồng mới mà các vùng định cư cũ buộc phải di dời. Nếu quá trình đền bù không được công bằng, an ninh kinh tế của cộng đồng này sẽ rơi vào tình trạng nguy ngập. Tác giả cố gắng để họa lại được lịch sử và văn hóa địa phương các tộc người, từ đó làm nổi bật lên "kho báu tinh thần" về sông Mekong.
Đó là ngôi làng Tây Tạng Vũ Băng (Yubeng) linh thiêng, hẻo lánh được xem là Shangrila (thiên đường hạ giới), là cố đô Đại Lý (Dali), là thung lũng Nhĩ Hải (Erhai). Eyler miêu tả những nơi này giờ đông nhung nhúc khách du lịch. Biến đổi khí hậu cũng đang làm đảo lộn cuộc sống người dân. Tiếp đó, các hoạt động nông nghiệp đang đe dọa nguồn tài nguyên nước, làm suy giảm sự đa dạng sinh học và nạn tảo bẹ sinh sôi phát triển không thể kiểm soát.
Những góc nhìn của Eyler cung cấp một tài liệu quan trọng để hiểu thêm về cách dòng Mekong bị khai thác. Tác giả nhận định một nửa chiều dài sông chảy trên đất Trung Quốc nhưng hầu hết tài liệu hiện có về sông Mekong chỉ tập trung vào các phần lưu vực hạ nguồn bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Hơn nữa, Trung Quốc là quốc gia chiếm ưu thế trong toàn bộ vùng Mekong, và người dân, giới đầu tư cũng như chính quyền nước này hiện thâm nhập ngày càng sâu hơn vào các quốc gia Hạ Mekong.
Các chương tiếp theo ngày càng tiến đến các vùng hạ lưu, lướt qua rất nhiều sự kiện có tính biến động. Đó là khu vực còn thiếu an ninh của Tam Giác Vàng với các băng nhóm thay nhau hoạt động. Đi sâu vào Lào, Eyler cũng cho thấy được xu hướng "hết dự án này đến dự án khác" nhưng chưa thực sự quan tâm thích đáng nhằm cải thiện cuộc sống của hàng chục nghìn sắc tộc thiểu số bị ảnh hưởng bởi các con đập và các dự án phát triển khác của đất nước này.
Eyler cung cấp quan điểm tổng thể về toàn vùng Hạ Mekong trong cách điều phối phát triển năng lượng tốt hơn và sáng tạo hơn. Để từ đó, các kế hoạch hiện có về 180 con đập trên dòng chính và các sông nhánh có thể giảm mạnh và mang lại một kết quả chi phí - lợi ích tốt hơn.
Ông cũng cảnh báo về các sự kiện vô cùng quan trọng, là việc xây dựng các con đập lớn trên dòng Xayaburi và Don Sahong có thể hủy diệt văn hóa cũng như sinh thái, làm ảnh hưởng lớn đến Campuchia, Việt Nam.
Ngoài ra, nó cũng ảnh hưởng một cách sâu rộng đến hệ sinh thái của hồ Tonle Sap - ngư trường nội địa lớn nhất thế giới. Tại đây, ông cũng khám phá cách các cộng đồng hiện đối phó với việc nguồn cá bị suy giảm do đánh bắt quá mức và các con đập thượng nguồn, để cho thấy ý thức của người dân vẫn quan trọng nhất. Chẳng hạn ở Chiang Khong miền Bắc Thái Lan, cư dân dần bắt đầu tự mình đảm đương công việc bảo tồn.
Họ đã bảo vệ nghề cá bằng cách lập các khu bảo tồn cá ở những khu vực được cho là nơi sinh sản của cá. Họ cũng xây ao nuôi các loài cá bản địa để thả ra sông và bán ra thị trường. Các làng trong mạng lưới cộng đồng đồng ý đặt giới hạn về độ lớn của cá được phép đánh bắt, xác định loại cá nào bị cấm đánh bắt, và thời điểm bắt đầu và kết thúc mùa đánh bắt cá. Họ cũng thực thi các quy định cấm các hình thức đánh bắt bất hợp pháp, từ đó, có những phương pháp đảm bảo đa dạng sinh học.
Ở phần cuối nói về đồng bằng sông Cửu Long, tác giả nhắc đến hiện trạng đáng báo động của khu vực này là sự xói lở, sụt lún do khai thác mực nước ngầm quá nhiều, cộng với việc khai thác cát diễn ra khắp nơi, trong khi biến đổi khí hậu khiến cho nước biển quanh vùng châu thổ cao lên.
Có thể nói rằng Những ngày cuối cùng của dòng Mekong hùng vĩ là công trình đầu tiên tìm hiểu về bốn chủ đề liên quan với nhau, góp phần vào sự thay đổi môi trường và xã hội năng động đang diễn ra ở lưu vực này. Chúng gồm quản lý các tài nguyên thiên nhiên và văn hóa với trọng tâm cụ thể là nước, đầm lầy, rừng, phát triển du lịch, di cư từ nông thôn ra thành thị, và tác động của biến đổi khí hậu. Qua đó Eyler cho thấy một sự trỗi dậy ở phía Thượng nguồn đang đe dọa và tác động xấu đến các quốc gia cuối dòng Mekong.
Tác phẩm có thể là "bạn đồng hành" cho các lữ khách xuôi dòng Mekong. Tác phẩm cũng có thể là tư liệu quý để các độc giả am hiểu, học giả hàn lâm, và giới hoạch định chính sách quan tâm nhiều hơn đến những rủi ro đối với phương thức phát triển kinh tế hiện nay. Lời cảnh báo từ sách cho thấy cần sớm có các thảo luận đường hướng nhằm cải thiện tình hình phát triển và bảo vệ hệ sinh thái cốt lõi của lưu vực sông này.
Brian Eyler là Giám đốc chương trình Đông Nam Á của trung tâm Stimson tại Washington (Mỹ). Trong 15 năm, Eyler nghiên cứu về dòng sông và cuộc sống người ở Mekong. Ông là cố vấn cho tổ chức Kinh tế Mekong Langcang tại Vân Nam. Năm 2013, tác giả đồng thành lập trang web East by Southeast, cung cấp thông tin kinh tế, môi trường của các quốc gia Đông Nam Á.
Mekong - một trong những dòng sông lớn nhất thế giới, dài khoảng 4.354 km. Sông bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng (Trung Quốc), chảy qua Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Dòng sông có vai trò quan trọng với sự kiến tạo các nước Đông Nam Á.
Minh Ngô