Từ tờ mờ sáng, ông Lê Quang Huỳnh (thôn Trà Lộc, xã Hải Xuân, huyện Hải Lăng, Quảng Trị) mang lưới đến đầm Trà Lộc trong thôn, hoà cùng nghìn người tham gia bắt cá. Đây là ngày hội truyền thống, năm nào ông cũng tham gia.
Người dân tràn xuống phủ kín mặt đầm, lùng sục tôm cá; tham gia có đàn ông, phụ nữ, thanh niên, trẻ em. Trong năm, dân làng không được đánh bắt nên đến ngày hội nguồn lợi thuỷ sản rất dồi dào. Lội bùn ngập đến ngang bụng, người dân phải dùng các phương thức đánh bắt truyền thống, dùng lưới, vó, nơm, rổ, vợt... Ai bắt được cá to thì hô to và được nhiều người bên cạnh chia vui, không khí phấn khởi lan khắp đầm.
Sau hơn một tiếng, ông Huỳnh đánh được một bao tải to đựng đầy cá, chủ yếu là rô phi, trắm, tràu, phát lát... Ông Huỳnh nói: "Cảm giác quá vui sướng và sảng khoái".
Việc mở hội để nạo vét lòng đầm, vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan. Sau ngày hội, người dân lại tích nước, bảo vệ đầm cho lễ hội năm tới. Các ngành chức năng cũng bổ sung cá giống để tạo nguồn lợi thuỷ sản.
Đầm nước rộng chừng 20 ha, trước đây là hồ thuỷ lợi, tưới tiêu cho ruộng lúa dân Trà Lộc. Sau này, khi công trình thuỷ lợi Nam Thạch Hãn đi vào hoạt động, đầm Trà Lộc như hồ sinh thái, tạo cảnh quan cho làng.
Hàng năm, người dân Trà Lộc chung tay bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trong đầm. Khi vụ lúa hè thu kết thúc, các bô lão họp bàn và quyết định ngày tổ chức hội.
Trước ngày hội, đầm được xả nước để người dân dễ đánh bắt. Tại Quảng Trị, lễ hội này chỉ có ở thôn Trà Lộc.