Gần đây, nhiều người rỉ tai nhau thông tin lắp một điều hòa cỡ lớn cho 2 phòng nhỏ, vừa đỡ phải mua nhiều điều hòa, vừa làm mát hiệu quả và đỡ tốn điện. Tuy vậy, cách này không phải lúc nào cũng hiệu quả.
Công thức tính điện năng tiêu thụ của điều hòa là: A = P x t, trong đó A là số điện tiêu thụ, P là công suất của máy và t là thời gian bật máy.
Cụ thể, tùy loại điều hòa, máy 9.000 BTU bật ở 16 độ C trong vòng 10 giờ sẽ tốn khoảng 7,5 đến 12,5 số điện. Nếu bạn dùng hai máy này, sẽ tốn 15-25 số điện.
Trong khi đó, công suất của máy 12.000 BTU thường vào khoảng 9,5-16 kwh, nếu bật trong vòng 10 giờ, bạn chỉ tốn 9,5 đến 16 số điện.
Bạn có thể kiểm tra công suất của máy trong tờ rơi hoặc bảng thông số kỹ thuật của sản phẩm. Khi so sánh sản phẩm của cùng một thương hiệu và mẫu mã, ta thấy máy 12.000 BTU thường có công suất cao hơn máy 9.000 BTU khoảng 20-25%.
Như vậy nếu lắp một máy 12.000 BTU cho đồng thời 2 phòng 16m2, chúng ta sẽ tiết kiệm hơn là lắp mỗi máy 9.000 BTU, với điều kiện hai phòng có nhu cầu làm mát như nhau.
Tuy nhiên, thực tế là hiếm khi chúng ta sử dụng điều hòa cả hai phòng như nhau. Trong một thời điểm, có thể phòng này có người nhưng phòng kia lại không, phòng này cần lạnh hơn nhưng phòng kia lại không cần lạnh.
Ngoài ra, dù bật điều hòa nhưng trong cùng một phòng, độ lạnh ở các vị trí cũng không đều nhau. Vị trí nào nằm trực tiếp trên đường tỏa gió sẽ lạnh hơn. Bạn có thể thấy trong một số văn phòng, nhân viên gần luồng gió của điều hòa phải mặc thêm áo khoác trong khi người ngồi xa vẫn thấy nóng. Để không nhân viên nào thấy nóng, người ta buộc phải hạ thấp nhiệt độ điều hòa, trong khi nếu lắp nhiều máy nhỏ xung quanh, ta có thể tăng nhiệt độ điều hòa lên mà mọi người vẫn mát.
Bạn nên nhớ, trong trường hợp nhiệt độ phòng không bật điều hòa là 34 độ C thì khi bật điều hòa, tăng nhiệt độ lên 25 độ C, bạn có thể tiết kiệm được 50% điện năng tiêu thụ, bất kể máy đó có công suất bao nhiêu (nếu nhiệt độ phòng khi không bật điều hòa cao hơn thì bạn tiết kiệm được ít điện hơn).
Cũng vì nhu cầu sử dụng khác nhau nên trong các phòng họp, nhà hàng có không gian rộng, người ta vẫn lắp nhiều máy nhỏ ở xung quanh chứ không lắp một máy lớn.
Thực tế, một số người cũng lắp một điều hòa cho hai phòng, nhưng lý do chính không phải để tiết kiệm mà vì kết cấu nhà có vấn đề, ví dụ sống ở chung cư cũ, tường khó khoan để lắp điều hòa nên họ đành chọn giải pháp lắp một điều hòa công suất lớn. Họ không đục tường giữa hai phòng để đặt điều hòa mà thường lắp điều hòa trong một phòng rồi mở cửa thông nhau, tỏa hơi lạnh sang phòng bên cạnh. Đương nhiên, phòng hưởng "ké" hơi lạnh chỉ đỡ nóng phần nào. Trong trường hợp chỉ sử dụng phòng có lắp máy điều hòa thì đóng kín cửa phòng đó và tăng nhiệt độ lên 28-29 độ. Nhờ thế họ cũng tiết kiệm được điện tương đương với lắp điều hòa công suất nhỏ mà bật ở nhiệt độ thấp.
Kỹ sư Lê Thanh Tùng