Lõi băng già nhất thế giới được tìm thấy ở lớp băng có độ dày 3 km ở Nam Cực. Ảnh: U.S. Antarctic Program |
Lõi băng được 22 nhà khoa học trên thế giới phát hiện ở phía đông Nam Cực, sau 5 năm nghiên cứu và tiến hành phân tích thực địa, ABC News cho hay. Phần lõi băng được khoan từ các khối băng lớn có thể được sử đụng để nghiên cứu biến đổi khí hậu.
Sau khi sử dụng hệ thống radar trên không để chiếu ánh sáng xuyên qua lớp băng, nhóm nghiên cứu tiến hành đo lường sức nóng địa nhiệt, ước tính sức nóng từ Trái Đất, nghiên cứu cách tảng băng trôi và phân tích các dữ liệu của các tảng băng hiện có.
Các chuyên gia ước tính lõi băng có độ tuổi khoảng 1,5 triệu năm, gần gấp đôi tuổi của mẫu băng lâu đời nhất được công bố trước đây, lớp băng có độ dày khoảng 3 km.
Theo tiến sĩ Tas van Ommen từ chi nhánh Nam Cực ở Australia, lõi băng lâu đời nhất thế giới có thể tiết lộ những thông tin liên quan đến tác động của hiện tượng biến đổi ký hậu, hiệu ứng nhà kính, nhờ đó tiến hành được các nghiên cứu về tác động của chúng trong tương lai.
Phát hiện cũng có ý nghĩa quan trọng đối với các cuộc thăm dò lõi băng ở Nam Cực. Hubertus Fischer, giáo sư vật lý khí hậu thuộc Đại học Bern, Thụy Sĩ, cho biết dự án thăm dò sâu các lớp băng Nam Cực sẽ bắt đầu trong vòng từ 3-5 năm tới.
Thùy Linh