JD Logistics, đơn vị hậu cần của "gã khổng lồ" thương mại điện tử Trung Quốc JD.com có kế hoạch đầu tư nhất quán vào các cơ sở hậu cần của chuỗi cung ứng ở nước ngoài. Với gần 90 kho ngoại quan, kho ở nước ngoài và kho gửi thư trực tiếp trên toàn thế giới, doanh nghiệp đã thiết lập mạng lưới kho bãi tự vận hành ở các nước châu Âu như Đức, Pháp và Anh. Bên cạnh việc mở rộng năng lực kho bãi, JD Logistics Europe tích cực hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ địa phương để nâng cao khả năng giao hàng chặng cuối của mình.
Ochama, thương hiệu bán lẻ đa kênh của JD ở châu Âu cũng đặt mục tiêu mở rộng dịch vụ giao hàng tận nhà sang 19 quốc gia khác. Ra mắt lần đầu tại Hà Lan vào tháng 1/2022, Ochama cung cấp mô hình bán lẻ kết hợp trải nghiệm mua sắm trực tuyến và ngoại tuyến. Người tiêu dùng có đặt hàng qua ứng dụng của Ochama, từ thực phẩm, điện tử tiêu dùng, sản phẩm làm đẹp đến sản phẩm dành cho bà mẹ và trẻ sơ sinh.
Doanh nghiệp này cung cấp cả dịch vụ nhận hàng và giao hàng tận nơi. Kế hoạch mở rộng đưa dịch vụ giao hàng tận nhà của Ochama đến 24 quốc gia, tích hợp với các dịch vụ hiện có ở Hà Lan, Luxembourg, Bỉ, Pháp và Đức.
Hiện, Ochama đã thành lập hơn 500 điểm lấy hàng ở châu Âu và vận hành một nhà kho rộng 20.000 m2 ở Hà Lan, được trang bị robot AGV (xe dẫn đường tự động) giúp nâng cao hiệu quả phân loại. Các đơn đặt hàng sẽ được đóng gói tại nhà kho tự động của Ochama ở Hà Lan trước khi được chuyển đến điểm đến cuối cùng.
Zhang Zhouping, nhà phân tích cấp cao về hoạt động B2B và xuyên biên giới tại Viện Kinh tế Internet Trung quốc cho biết: "Các kho hàng ở nước ngoài và mạng lưới chuyển phát nhanh đóng vai trò là cơ sở hạ tầng quan trọng giúp thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc".
Cainiao Network, bộ phận hậu cần của tập đoàn công nghệ Alibaba Group Holding Ltd, cũng đang đẩy nhanh việc xây dựng mạng lưới hậu cần và tăng cường dịch vụ của mình tại châu Âu.
Đơn vị này đã mở rộng mạng lưới giao hàng dặm cuối ở Tây Ban Nha, cung cấp dịch vụ giao hàng vào ngày hôm sau tại chín thành phố lớn, trong đó có Madrid và Barcelona, cũng như dịch vụ giao hàng trong hai ngày tại hơn 20 thành phố khác của nước này. Cainiao đầu tư của vào cơ sở hạ tầng hậu cần thông minh như trung tâm phân loại tự động và tủ khóa bưu kiện. Công ty còn phát triển mạng lưới khoảng 500 tủ khóa bưu kiện ở Madrid và Barcelona để mang lại trải nghiệm nhanh, hiệu quả hơn và giảm lượng khí thải carbon.
Không nằm ngoài cuộc chơi, SF Airlines, chi nhánh hàng không của tập đoàn hậu cần SF Express, đã đầu tư rất nhiều vào việc cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không và mở rộng đội bay chở hàng của mình ở châu Âu. Hãng triển khai tuyến vận chuyển hàng hóa hàng không mới nối Ngạc Châu, tỉnh Hồ Bắc với Frankfurt, Đức vào tháng 7.
Theo các chuyên gia, việc đầu tư vào kho hàng và xây dựng chuỗi cung ứng ở nước ngoài sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp ngoại thương Trung Quốc và thúc đẩy doanh số bán sản phẩm của nước này tại thị trường quốc tế. Ngoài ra, việc phát triển kinh doanh vận tải hàng không quốc tế cũng giúp các doanh nghiệp tăng cường năng lực vận chuyển hàng hóa đường dài và cải thiện hiệu quả giao hàng xuyên biên giới.
Năm 2022, tổng dịch vụ hậu cần xã hội của Trung Quốc đạt 347.600 tỷ nhân dân tệ (khoảng 47.890 tỷ USD), đánh dấu mức tăng trưởng 3,4% so với cùng kỳ năm 2021. Thị trường logistics Trung Quốc tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu toàn cầu trong bảy năm liên tiếp.
Theo báo cáo của Quartz, Trung Quốc coi logistics là ngành quan trọng mang tính chiến lược. Chính phủ nước này muốn xây dựng một hệ thống lưu thông hiện đại, tích hợp các dòng thương mại, tài chính, vận tải và hàng hóa. Số lượng kho hàng ở nước ngoài mà nước này vận hành thông qua các nhà xuất khẩu hoặc các công ty thương mại điện tử xuyên biên giới hoạt động tại thị trường quốc tế đã lên tới hơn 2.000, tăng từ mức dưới 100 vào năm 2015.
"Bên cạnh cơ sở hạ tầng vật chất như nhà kho, Trung Quốc còn muốn phát triển một số công ty hậu cần nội địa và có khả năng cạnh tranh toàn cầu", báo cáo cho biết.
Tuệ Anh (theo China Daily, People's Daily)