Logistics tắc nghẽn khiến việc vận chuyển vaccine Covid-19 đến châu Phi bị chậm trễ. Nhiều quốc gia châu Phi đang nỗ lực giải quyết vấn đề này để đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng.
John Nkengasong, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Châu Phi (CDC Châu Phi) cho biết, hiện tại, chỉ 6,6% dân số (khoảng 1,2 tỷ người) châu Phi được tiêm chủng đầy đủ. Điều đó phản ánh, châu Phi cần rất nhiều thời gian để đạt được mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho 70% người dân vào cuối năm 2022.
"Hiện, có rất nhiều loại vaccine được đưa vào châu Phi nhưng việc thu nhận lại gặp rắc rối do logistics tắc nghẽn. Quá trình phân phối vaccine không hề có trở ngại nào, khó khăn chỉ tồn tại ở logistics", ông Nkengasong cho biết.
Văn phòng Châu Phi của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra quan điểm, việc thu nhận vaccine chậm cũng đang ảnh hưởng đến ngành y tế khu vực này, nơi chỉ có 1/4 công nhân được tiêm chủng đầy đủ.
Matshidiso Moeti, Giám đốc khu WHO vực châu Phi cho biết: "Trừ khi các bác sĩ, y tá và những nhân viên tuyến đầu khác được bảo vệ đầy đủ, chúng tôi có nguy cơ thất bại trong nỗ lực kiềm chế căn bệnh này".
Đặc biệt, Cộng hòa Dân chủ Congo và Cameroon là hai quốc gia phải đối mặt với thách thức logistics nặng nề nhất. Congo đã tiêm khoảng 168.000 liều vaccine Covid-19, chỉ đáp ứng 0,1% dân số, theo Reuters.
Vào tháng 4, các nhà chức trách đã phân bổ lại cho các quốc gia châu Phi khác 1,7 triệu liều vaccine Covid-19 mà Congo đã nhận được một tháng trước đó từ cơ sở chia sẻ vaccine COVAX vì chúng đã hết hạn sử dụng.
Trước đó, châu Phi đã thành công trong các chiến dịch tiêm chủng định kỳ chống lại các bệnh như sởi. Tuy nhiên, ngoài lý do liên quan đến logistics, chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 còn gặp khó khăn với lý do thiếu kinh phí bảo quản lạnh.
Hiện tại, trong số 403 triệu liều vaccine Covid-19 được phân phối cho 54 quốc gia châu Phi, 55% (221 triệu liều) đã được sử dụng.
Nam Phi yêu cầu Johnson & Johnson và Pfizer trì hoãn việc giao thêm vaccine Covid-19 vì nước này hiện có quá nhiều trong kho, nguồn tin của Reuters cho biết vào ngày 24/11. Trong khi đó, Namibia cảnh báo hơn 268.000 liều vaccine AstraZeneca và Pfizer có nguy cơ bị tiêu hủy do thuốc không được sử dụng hết.
Thanh Thư (theo Reuters)