Hiện nay, việc thiếu tài xế xe tải và công nhân tại các bến tàu đã ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường vận tải hàng hóa. Theo New York Times thách thức liên quan đến đại dịch như thiếu lao động, thiếu container và vận chuyển tắc nghẽn đã làm đảo lộn chuỗi cung ứng trên toàn thế giới.
Việc tắc nghẽn hàng loạt cảng trên toàn cầu ban đầu được cho là do Covid-19, dẫn đến thiếu công nhân vì các công ty thực hiện biện pháp bảo vệ người lao động. Nhưng khi dịch có dấu hiệu lắng xuống, nhu cầu về vận chuyển bắt đầu tăng cao.
Các vấn đề này cũng ảnh hưởng đến vận tải đường sắt và đường bộ vì xe tải chịu trách nhiệm vận chuyển chặng cuối trong quá trình giao hàng.
Mới đây, Hiệp hội Thương hiệu Người tiêu dùng Mỹ (CBA) đã công bố Báo cáo kinh tế quý II/2021, trong đó nêu bật các vấn đề về chuỗi cung ứng và lao động. Cụ thể, nhu cầu tại nhà đối với hàng tiêu dùng đóng gói (CPG) tăng 8,7% trong quý II, phản ánh sự lạc quan về việc mở cửa trở lại.
Ngoài ra, báo cáo cũng cho biết nhu cầu gia tăng đang thúc đẩy chuỗi cung ứng tìm cách gỡ khó, đồng thời, chi phí sản xuất các mặt hàng thiết yếu tiếp tục tăng.
Tạp chí Thương mại Mỹ gần đây đã ghi nhận việc các tàu cảng và container không hoạt động hiệu quả khiến giá vận chuyển cao kỷ lục, thời gian vận chuyển lâu hơn.
Trang Supplychaindive cho biết, giá vận chuyển container hiện tại là 26.000 USD, tăng 8.000 USD từ đầu năm nay. Quá trình vận chuyển hàng hóa bằng đường biển bị tắc nghẽn xuyên suốt nhiều tháng qua.
Bên cạnh đó, Freightos cho biết giá cước vận tải biển rất cao nhưng ít nhất còn được ổn định. Chi phí vận chuyển hàng hóa châu Á - Mỹ cao gấp 5 lần, cước phí Á - Âu gấp 8 lần năm ngoái và đang cao kỷ lục.
Một nhà nhập khẩu đường ở Bờ Tây nước Mỹ cho biết doanh nghiệp của ông không đủ nguồn cung cho năm 2022 vì bên bán không thể đảm bảo cước vận chuyển đường biển.
Bất kỳ ai tham gia vào ngành công nghiệp thực phẩm đều biết rõ những vấn đề ngành logistics đang phải đối mặt hiện nay. Những câu hỏi lớn hơn như: "Khi nào khó khăn kết thúc"? và "Điều gì ở phía trước?" đều khó trả lời, vốn dĩ không thể trả lời được.
Nhiều chuyên gia đồng thuận với quan điểm vấn đề khó khăn của logistics sẽ tiếp tục đến năm 2023, dịch Covid-19 và các biến thể là yếu tố then chốt.
Cuối tháng 8 vừa qua, Chính quyền ông Biden đã bổ nhiệm John Porcari làm đặc phái viên cảng cho Lực lượng đặc nhiệm về gián đoạn chuỗi cung ứng. Lực lượng này được thành lập vào tháng 6 để giải quyết các vấn đề logistics. Mặc dù hữu ích, nhưng các doanh nghiệp cho rằng sự tham gia của chính phủ cũng không thể giải quyết nhanh chóng.
Các vấn đề về giao thông, giá cước cao sẽ làm tăng chi phí thực phẩm và mọi thứ khác. Ngoài ra còn làm gia tăng lo ngại trong việc phục hồi nền kinh tế.
Thanh Thư (Theo Food Business News)