Một cư dân ở Hoboken, New Jersey trông thấy hàng trăm con giun dọc đường khi đi dạo trong công viên gần sông Hudson hôm 25/3. Người phụ nữ giấu tên cho biết sau bất ngờ ban đầu, cô nhận thấy điều kỳ lạ hơn. Những con giun tạo thành hình lốc xoáy với số lượng lớn. Kết quả là vòng xoắn lớn ở nơi bãi cỏ tiếp xúc với rìa bê tông.
Người phụ nữ chụp lại cảnh tượng và gửi cho Tiffanie Fisher, thành viên hội đồng thành phố Hoboken. Khi chụp hình, đám giun không tích cực di chuyển theo vòng xoắn dù từng con vẫn đang ngọ nguậy tại chỗ. Không có đường ống bị hở gần đó. Tuy phần lớn giun tỏa ra theo hình xoắn ốc lớn, còn nhiều con nằm ở đường cong ngoài cùng của lốc xoáy. Chúng xúm vào bức tường của tòa nhà lân cận, bò dần xuống lề đường.
Giun thở qua da, vì vậy khi mưa nặng hạt hoặc mưa kéo dài dài khiến mặt đất sũng nước, chúng phải đào hang lên bề mặt để tránh bị dìm chết, theo Đại học Wisconsin–Madison. Giun đất thường sống đơn độc, nhưng đôi khi chúng hợp thành đàn trên mặt đất. Những con giun xúm lại thành từng nhóm và liên lạc với nhau về phương hướng di chuyển, theo kết quả nghiên cứu công bố năm 2010 trên Tạp chí Quốc tế về Sinh học Hành vi.
Các nhà khoa học trong nghiên cứu đó nhận thấy giun đất thuộc loài Eisenia fetida sẽ tạo thành cụm và ảnh hưởng lẫn nhau để lựa chọn hướng đi chung trong hành trình di cư. Chúng sử dụng xúc giác thay vì tín hiệu hóa học. Hành vi tập thể này có thể giúp giun đất sống sót trước những mối đe dọa từ môi trường như ngập lụt, đất đai khô cằn. Đây cũng có thể là chiến thuật tự vệ của chúng trước động vật săn mồi hoặc mầm bệnh.
Tuy nhiên, nguyên nhân tạo ra lốc xoáy giun ở Hoboken không rõ ràng như vậy. "Hình dáng lốc xoáy thực sự thú vị", Kyungsoo Yoo, giáo sư ở Khoa đất, nước và khí hậu của Đại học Minnesota, nhận xét. Yoo nghiên cứu cách giun đất xâm hại biến đổi hệ sinh thái rừng. Dù giun đất thường xuất hiện hàng loạt sau cơn mưa, ông chưa bao giờ thấy chúng tạo thành hình xoắn ốc trước đây.
Giun sống dưới nước như giun đen California (Lumbriculus variegatus), có thể tạo ra nút thắt khổng lồ chứa hơn 50.000 cá thể khi bị đe dọa bởi điều kiện khô hạn, gọi là "Quả cầu giun", theo Phòng thí nghiệm Bhamla ở Trường Kỹ thuật hóa chất và Sinh học phân tử của Viện Công nghệ Georgia. Khối cầu giun đông đúc ít có nguy cơ bị khô hơn một cá thể tách riêng. Đám giun phải kéo và đẩy để khối cầu di chuyển.
Người đứng đầu phòng thí nghiệm, Saad Bhamla, trợ lý giáo sư ở Viện Công nghệ Georgia, cho rằng biến đổi đột ngột trong lượng nước ở đất, kết hợp với địa hình khu vực, có thể giúp lý giải hình dáng của lốc xoáy giun. "Mặt đất ở đó có thể ngấm nước. Nếu nước rút đi sau trận lụt, giun đất có thể bám theo vệt nước", Bhamla suy đoán.
Rất khó xác định những con giun trong ảnh thuộc loài nào, nhưng Bhamla và cộng sự từng quan sát hành vi của giun đen. Họ nhận thấy chúng bò theo vệt nước, hình thành đủ loại đường đi và cấu trúc tập hợp. Đặc biệt, quá trình tập hợp chỉ xảy ra sau khi nước rút.
Theo bản tin thời tiết ở địa phương, trời mưa nặng hạt đêm hôm trước với lượng mưa vào khoảng 2,5 cm. Harry Tuazon, nghiên cứu sinh tiến sĩ trong Chương trình kỹ thuật sinh học liên ngành của Viện Công nghệ Georgia, nhận định hình dạng xoắn là dấu hiệu của vệt nước rút và những con giun bị cuốn đi, không phải là chuyển động mang tính hành vi.
Dù xuất phát từ nguyên nhân nào, lốc xoáy giun ở Hoboken không tồn tại lâu. Khi người phụ nữ chụp ảnh quay trở lại công viên sau đó vài giờ, đàn giun đã biến mất.
An Khang (Theo Live Science)