Sự biến chuyển sinh động của lộc vừng theo thời gian khiến nhiều người yêu thích loài cây này. Cây cũng được cho là đem lại nhiều may mắn cho chủ nhà, nhất là khi có thể ra hoa 2 lần một năm.
Cây dễ trồng, phát triển nhanh khi trồng ngoài trời nhưng khi đưa vào trong nhà, cây ít ra hoa.
Nhà chị Lam (Hà Nội) xin được cây của bố mẹ về trồng ở ban công. Khi ở quê, trong môi trường tự nhiên, cây ra hoa rất đẹp. Nhưng vào nơi hạn chế ánh sáng lại trồng trong chậu nên cây có thay lá vàng nhưng không hề ra hoa lần nào.
Độc giả VnExpress tư vấn kinh nghiệm cho bạn Lam mà không cần sử dụng thuốc kích thích hoa nở như sau:
- Cây lộc vừng trong tự nhiên hay mọc ở bờ suối, sông, vùng có nước và đá vôi nhiều. Vì vậy, bạn cần đánh cây lên, kê đá vôi xuống dưới, đặt cây cho rễ tiếp xúc với đá. Sau đó, bạn đổ nước vào chậu cho ngập đến rễ cây. Bạn cũng có thể cho thêm một ít nước vôi vào chậu. Sau một thời gian, cây sẽ ra hoa. (Quang Huy).
- Bạn kiểm tra lại đất trồng, nếu đất quá cũ thì nên cắt tỉa cây, thay đất. Lộc vừng là cây ưa nước nên cần chế độ ngập nước. Bạn có thể bón cho cây nước rửa thịt cá, đồ ăn nhạt còn thừa, các phụ phẩm của nhà bếp theo lượng tăng dần, cây sẽ xanh tốt và cho hoa nhiều lần trong năm. (Hà Diệp).
- Bạn tỉa bớt đất cho rễ cây lộ ra, để một ngày cho đất khô. Bịt lỗ thoát nước của chậu, đổ nước ngập gốc cây, cây sẽ sống bình thường cho tới khi ra hoa vào tháng 3 và tháng 10 Âm lịch. Bạn có thể mua một vài con cá nhỏ thả vào chống muỗi. (Văn Long).
Lam Huyền
Chia sẻ thắc mắc về làm vườn của bạn tại đây.