Theo thông tin từ Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (LTG), vụ Đông Xuân 2023-2024 họ mua hơn 300.000 tấn lúa từ nông dân, trị giá gần 2.500 tỷ đồng, làm nguyên liệu chế biến tại các nhà máy.
Tuy nhiên, tính tới ngày 1/5, họ còn nợ 472 tỷ đồng tiền thu mua lúa của nông dân 5 huyện của tỉnh An Giang và một số địa phương tại Đồng bằng sông Cửu Long. Lý do, theo doanh nghiệp, họ gặp khó khăn trong vay vốn ngân hàng, thu tiền từ đối tác mua gạo.
Hiện, khoản nợ này đã được công ty thanh toán cho các hộ nông dân, sau thời gian thu xếp dòng tiền với đối tác, bán lúa khô và vay ngân hàng.
Trước đó, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn An Giang liên tục đôn đốc công ty này đối thoại với bà con nông dân và cam kết thời gian thanh toán, trả lãi tiền nợ mua lúa.
Doanh nghiệp này cho biết các khoản chậm trả được họ cam kết trả lãi suất 0,8% một tháng (9,6% một năm) cho nông dân từ ngày 27/4 trở về sau và mỗi tuần trả một phần và trả dứt điểm đến ngày 20/5.
Thời gian qua, giá lúa biến động khiến hoạt động thu mua, kinh doanh và xuất khẩu của Lộc Trời và các doanh nghiệp sản xuất lúa gạo gặp nhiều khó khăn.
Quý I, công ty ghi nhận lỗ sau thuế hơn 96 tỷ đồng quý, tăng lỗ so với mức 81,2 tỷ đồng vào cùng kỳ năm ngoái. Chi phí nguyên vật liệu đầu vào, lãi vay tăng cao và rủi ro từ tỷ giá là nguyên nhân khiến Lộc Trời tăng lỗ.
Lộc Trời – tiền thân là Công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) - thường ký kết bao tiêu lúa, gạo cho nông dân với tổng giá trị thu mua lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Công ty nằm trong top 10 sản xuất, cung ứng sản phẩm và dịch vụ trong lĩnh vực nông nghiệp, xuất khẩu đi 40 quốc gia.
Thi Hà